Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục có nhấn mạnh đến vai trò của người thầy. Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng từng khẳng định, đề án có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò của người thầy. Về vấn đề này, VOV online phỏng vấn GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội...

PV:Thưa GS Đinh Quang Báo, GS nghĩ gì về vị thế của nhà giáo hiện nay?

GS Đinh Quang Báo:Từ trước tới nay, nhà giáo luôn luôn có một vị thế trong xã hội, như câu cha ông ta vẫn nói “không thầy đố mày làm nên”. Câu nói đó đủ để thấy nhà giáo luôn có vị thế. Nhà giáo là cầu nối thế hệ này với thế hệ sau để làm phong phú nền văn hiến của một quốc gia.

bao.jpg
GSĐinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (ảnh: Hanoimoi.vn)

PV: Hiện nay công nghệ thông tin phát triển, học sinh có thể học từ nhiều nguồn khác nhau, vậy vai trò của nhà giáo có gì khác xưa, thưa GS?

GS Đinh Quang Báo:Ngày xưa thầy đồ chỉ một vài cuốn sách là cứ thế truyền đạt cho học sinh. Người thầy lúc đó có chức năng là người truyền thụ kiến thức. Nhưng giờ tri thức cứ 3-4 năm lại tăng lên gấp đôi. Học sinh tắm mình trong biển thông tin. Ngồi ở bất kì đâu chỉ cần có wifi là có thể truy cập thông tin mọi lĩnh vực ở bất kì đâu trên thế giới. Người thầy giờ không phải truyền đạt kiến thức vì không ai đi dội nước cho một người đang tắm trong sông, biển. Vậy thì thầy phải dạy cho trò biết chọn lọc giữa bể thông tin, cái nào là bổ, cái nào là hữu ích, phải cho học trò phương pháp chọn lọc thông tin và vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống.

PV: Có nhiều người cho rằng vị thế nhà giáo ngày nay không được như xưa, GS nghĩ sao về đánh giá này?

GS Đinh Quang Báo:Chúng ta phải xem đánh giá đó là bản chất hay hiện tượng. Tôi cho rằng có một số hiện tượng: trò không quý trọng thầy, thậm chí có hành động thoá mạ thầy, đó là hiện tượng của một số học trò.

Thầy cũng có một số người không gương mẫu. Dù rất ít nhưng dường như trong giai đoạn kinh tế thị trường này có vẻ nó nhiều lên nên người ta cảm thấy vị thế nhà giáo không được như trước. Nhưng theo tôi đó là quy nạp trên số liệu nhỏ chứ không mang tính khái quát. Nó không làm mất đi chức năng của nhà giáo trong xã hội. Nhưng dù sao nó cũng để lại ấn tượng không hay lắm về nhà giáo, đó là điều đáng tiếc.

Nhưng tôi vẫn khẳng định, không có nhà giáo thì không có nhà trường, không có nhà trường không có những thế hệ học trò. Mà vốn những thế hệ học trò ấy từ trước đến nay vẫn là lực lượng nòng cốt kế tục sự phát triển của dân tộc và quốc gia, điều đó không bao giờ thay đổi. Không ai thay thế được chức năng ấy dù ở Việt Nam hay các quốc gia khác. Nên những biểu hiện đáng tiếc, theo tôi là ở hình thức còn chức năng vị thế của nhà giáo không bao giờ thay đổi.

PV:

Thưa GS, mức lương và thu nhập của nhà giáo có ảnh hưởng gì đến vị thế người thầy?

GS Đinh Quang Báo:Vấn đề là vị thế nhà giáo được xác định theo tiêu chí nào. Nếu nói đến chức năng xã hội thì vị thế nhà giáo không bao giờ thay đổi. Đảng và Nhà nước nói là “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì giáo viên là vị trí hàng đầu trong cái quốc sách hàng đầu đó.

Nhưng nếu lấy những tiêu chí khác về mặt quan hệ về lượng thì rõ ràng nhà giáo có vị thế thấp đi. Ví dụ lương của nhà giáo ít đi, rõ ràng lương nhà giáo không phải cao nhất. Chưa nói đến chuyện về thu nhập, nếu tính về thu nhập thì nhà giáo có thể đứng hạng bét. Khó khăn trong đời sống khiến nhà giáo hành nghề khó khăn. Những hiện tượng tôi nêu ra cũng không phải vì thu nhập thấp nhưng nó cũng bị ảnh hưởng phần nào. Còn chuyện dạy thêm học thêm thì có nguyên nhân từ thu nhập và nó cũng ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo.

PV: Chúng ta đang chuẩn bị cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện, theo GS vai trò của giáo viên sẽ ra sao?

GS Đinh Quang Báo:Mọi đổi mới từ nhỏ đến lớn yếu tố giáo viên là quyết định. Giáo viên không chuyển biến thì mọi đổi mới đều thất bại.

Vì thế ở các nước phát triển người ta nhận định mọi sự thành công của giáo dục đều nằm trong tay thày giáo. Người ta phân cấp đến mức cho nhà giáo có quyền quyết định để mà điều chỉnh chương trình, để sáng tạo, người ta bảo khi nào tạo được môi trường nhà giáo phát huy hết sức sáng tạo thì mới thành công. Chúng tôi đã kiến nghị Bộ GD-ĐT để quản lý giáo dục có sự phân cấp để giáo viên thoả sức sáng tạo, đây có thể là khâu đột phá.

Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành TW 8 nêu lên rất nhiều yếu tố, rất hệ thống để đổi mới nền giáo dục, có nêu giáo viên yếu tố quyết định tới thành công. Chính vì thế, Bộ trưởng GD-ĐT cũng nói nhiều đến việc cải tạo hệ thống sư phạm, những tư tưởng đổi mới giáo dục đòi hỏi giáo viên phải thay đổi gần như đào tạo lại. Chính phủ đã ký ban hành đề án đổi mới sư phạm, đề án cũng rất lớn gồm 7 nội dung đổi mới căn bản đào tạo bồi dưỡng phát triển giáo viên. 

PV:Vậy chúng ta phải quan tâm đến đội ngũ giáo viên như thế nào để giáo viên có động lực thay đổi, đáp ứng yêu cầu đổi mới?

GS Đinh Quang Báo:Giáo viên là người trực tiếp thi công, là người quyết định. Quay trở lại vị thế nhà giáo, nếu có phần nào đó giảm sút thì phải khắc phục. Cần có những giải pháp đồng bộ đột biến: đãi ngộ về vật chất và tinh thần cho nhà giáo xứng đáng. Phải đủ sống, phải ít nhất nuôi ít nhất được một đứa con, giờ rõ ràng là không đủ.

Tôi không tưởng tượng được lương của một sinh viên giỏi nhất được giữ lại trường làm giảng viên là 2 triệu đồng, không ai sống được cả. Mà giai đoạn 2 triệu đồng lên được 4 triệu đồng thì lâu lắm, mà đó lại là giai đoạn họ sung sức nhất…

Có người nói, tăng lương thì vô cùng thì biết sao cho đủ. Tôi không nói cụ thể là bao nhiêu nhưng chắc chắn khởi điểm 2 triệu đồng là không đủ. Nếu phấn đấu được lương khởi điểm cho giáo viên 5 triệu đồng, tôi nghĩ sẽ có chuyển biến.

Nhưng tiền không cũng không được. Tiền tăng thì trách nhiệm phải nâng lên, phải sàng lọc, lựa chọn đội ngũ.

Ngay chuyện tuyển sinh viên đầu vào trường sư phạm cũng phải có chính sách để thu hút được học sinh giỏi. Như hiện nay, những học sinh giỏi nhất không muốn vào sư phạm.

PV: Xin cảm ơn GS.

Thầy giáo Thạch Sơn, trường tiểu học Hựu Thành B, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long:

Tổng thu nhập của tôi hiện nay hơn 7 triệu đồng, còn hai năm nữa tôi sẽ nghỉ hưu, nhưng để có mức lương đó tôi đã có hơn 30 năm công tác. Ở nông thôn như thế là ổn, vì các con tôi đã ra trường có công ăn việc làm ổn định.. Nhưng những giáo viên trẻ với mức lương mới ra trường thì quả là không đủ sống, không xứng đáng với công sức của họ. Ngoài việc lên lớp, họ phải làm bao công việc không tên khác, tham gia các phong trào thi đua, hội họp…

Cô giáo Nguyễn Hồng Phượng, giáo viên trường THCS Thị Trấn, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh:

Khó khăn thì có khó khăn, nhưng phải bằng lòng với hiện tại. Ngoài dạy học tôi còn trồng rau, nuôi gà, viết thêm cho các báo thì cũng có thêm thu nhập chính đáng bằng công sức của mình…