Các đại biểu Quốc hội cho rằng Tôn sư, Trọng đạo là truyền thống tốt đẹp, lâu đời của dân tộc ta. Việc dạy người từ xưa đã được coi trọng, đúc kết, trong đó phát triển nhân cách – học làm người được đặc biệt được chú trọng “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình, đoàn Bến Tre cho rằng, giáo dục một con người phải là có sự kết hợp chặt chẽ về phương pháp, về tư duy giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Có một nền giáo dục tốt, có thầy cô tốt nhưng nếu gia đình dạy con theo kiểu ganh đua, hiếu thắng thì nhà trường cũng khó thực hiện được mục tiêu phát triển nhân cách tốt cho học sinh.

Người thầy có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của học sinh

Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình nhấn mạnh vai trò gương mẫu của người thầy: “Trong giáo dục có một số từ như tiền nhân đã nói đi hết cả cuộc đời, đọc hàng ngàn cuốn sách mà có khi chưa đi hết một chữ ví dụ như chữ tâm, chữ đức, chữ nhân, chữ trí, chữ dũng. Để các em có năng lực, cả kiến thức để đi hết những chữ như thế trong cuộc đời mình, việc giáo dục phải chú ý đến tất cả những khâu liên quan và không phải chỉ riêng ngành giáo dục chịu trách nhiệm mà gia đình nhà trường và cả phông xã hội. Trong đó mọi người khi ứng xử, điều đầu tiên mình phải nghĩ đến việc là tấm gương, là nhân cách để những thế hệ đi sau noi theo”.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nhận định, trong "Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” có đổi mới cơ bản từ việc chủ yếu truyền thụ kiến thức san việc phát triển toàn diện các năng lực, phẩm chất của người học. Vì thế, trong mọi thời đại, người thầy vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng những con người mới có đủ năng lực, phẩm chất và kiến thức phục vụ đất nước.

Ông Thi nhấn mạnh: “Tuy học sinh là trung tâm của qúa trình dạy và học nhưng người thầy vẫn giữ một vai trò rất quan trọng. Người thầy giữ vai trò chủ chốt vì phải tổ chức quá trình dạy học, hướng dẫn học sinh học tập và người thầy giữ vai trò chủ yếu trong truyền thụ kiến thức cũng như là rèn luyện rồi giáo dục kỹ năng, phẩm chất cho các em. Thực hiện đề án này là bước vào thực hiện xây dựng con người mới, theo yêu cầu mới, để đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập của đất nước”.

Theo ông Đào Trọng Thi, để thực hiện được những mục tiêu lớn đặt ra trong đề án, cần có sự đầu tư, đổi mới hơn nữa cơ sở vật chất trường lớp cũng như nâng cao đời sống giáo viên, đổi mới chương trình giáo dục và chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên.         

“Nếu chúng ta đổi mới chương trình một cách đồng bộ, đổi mới chương trình sách giáo khoa thì chúng ta cũng phải đổi mới đội ngũ giáo viên của chúng ta để phù hợp với chương trình sách giáo khoa mới. Chúng ta phải tiếp tục đầu tư cho các nhà trường để đổi mới cơ sở vật chất cũng như đổi mới điều kiện học tập của học sinh, điều kiện dạy của giáo viên. Tôi cho rằng nếu chúng ta làm nghiêm túc thì chắc chắn chỉ trong một thời gian sắp đến chúng ta có thể nhìn thấy kết quả”, ông Thi nói thêm./.