Theo Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông (THPT) chuyên giai đoạn 2010 - 2020 với tổng kinh phí trên 2.300 tỷ đồng, Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu mỗi tỉnh thành sẽ có ít nhất một trường THPT chuyên. Đến năm 2015, có 100% trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế. PGS, TS Nguyễn Vũ Lương- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên KHTN (thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ nhiều trăn trở.

PV:Hiện nay đang tồn tại nhiều mô hình trường chuyên, xin PGS cho biết, chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng về loại hình này?

NguyenVuLuong0k1.jpg

PGS, TS Nguyễn Vũ Lương (người đứng) trong một cuộc họp

PGS, TS Nguyễn Vũ Lương: Lâu nay, nhắc đến trường chuyên hầu như ai cũng biết, nhưng chưa có mô hình chuẩn ở nước ta. Vì thế, đang tồn tại trường chuyên của Sở, rồi của Bộ, thậm chí trong một trường có một lớp chuyên. Đã đến lúc nên định nghĩa cụ thể và cho phép tồn tại những mô hình trường chuyên nào. Đó là căn cứ để đầu tư.

Có lẽ khi chưa có chuẩn thống nhất về mô hình trường chuyên, ta nên hiểu mục tiêu lớn nhất của trường chuyên THPT là đào tạo tài năng trẻ cho đất nước, giống như các trường chuyên trên thế giới. Trong số những tài năng trẻ ấy, phát hiện những em có năng khiếu đặc biệt để đào tạo những nhà khoa học chuyên sâu. Các trường chuyên góp phần không nhỏ vào việc đào tạo những người đứng đầu trong các lĩnh vực.

PV:Để đạt mục tiêu góp phần đào tạo “người đứng đầu”, trường chuyên THPT, đặc biệt là trường đạt chuẩn quốc tế, cần có những điều kiện cơ bản nào, thưa PGS?

PGS, TS Nguyễn Vũ Lương:Thông thường, một trường chuyên đạt chuẩn quốc tế phải thoả mãn các điều kiện cơ bản sau:

Một là, cơ sở vật chất, phương tiện đào tạo phải đầy đủ. Việc xây dựng cơ sở vật chất cho các trường chuyên cực kỳ quan trọng. Vì những tính cách, những thói quen của người trẻ được hình thành ở thời phổ thông nhiều hơn ở đại học. Cho nên, nếu trường chuyên có được một môi trường, chương trình đào tạo nghiêm chỉnh, cơ sở vật chất đầy đủ sẽ giúp hình thành nhân cách người trẻ rất tốt.

Chính sách của nhà nước ta đầu tư nhiều tiền hơn cho trường chuyên là đúng. Vì như các nước phát triển, đã đầu tư thường ưu tiên cho đầu tư các mũi nhọn. Mà trường chuyên THPT là một trong những mũi nhọn trong hệ thống giáo dục phổ thông. 

Hai là, đội ngũ giáo viên phải có trình độ cao thực sự. Hiện nay, muốn hoà nhập thế giới, trước hết người thầy phải có trình độ cao. Trường chuyên phải là trường tập trung những người thầy giỏi nhất. Vì phải có tư duy của người giỏi thì mới kéo theo được những người giỏi nữa có khả năng kế thừa, vươn lên.

Ba là, chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy phải tiên tiến.Ở nước ta, điều này bây giờ mới bắt đầu được quan tâm nhiều. Chẳng hạn, để có một chương trình tốt không chỉ biết đầu tư, quan trọng là phải biết đầu tư thông minh. Nhiều thầy, cô đã biết áp dụng chương trình hay của Singapore, Anh, Mỹ cho hợp với Việt Nam.

Tôi rất thích và ủng hộ quan điểm của Bộ GD&ĐT là chỉ cho khung chương trình, chuẩn kiến thức. Còn lại trên cơ sở đó các trường tự soạn nội dung chi tiết và phương pháp truyền thụ kiến thức. Trường nào soạn càng tốt càng được khen. Điều này sẽ tăng tính cá nhân, mũi nhọn, đấy mới là khoa học.

Bốn là, căn cứ vào thành tích của học sinh thành đạt.Vào trường, người ta sẽ quan tâm trường đào tạo ra được bao nhiêu người trở thành nhà lãnh đạo, là nhà khoa học nổi tiếng. Hiện nay, nhiều trường nổi tiếng trên thế giới, người ta liệt kê bảng thành tích đó treo ngay ở cổng trường. Nó như một vẻ đẹp riêng trong kiến trúc của trường.

PV:Trong những tiêu chí như thầy vừa nêu, trường THPT chuyên KHTN mà thầy làm hiệu trưởng đạt được những tiêu chí nào?

PGS, TS Nguyễn Vũ Lương:Trường tôi tự hào đạt 3 tiêu chí: 1, Thành tích của học sinh thành đạt không nơi nào bằng. Rất nhiều các học sinh đạt huân, huy chương quốc tế, trở thành các giáo sư tên tuổi, nhà khoa học nổi tiếng thế giới, chẳng hạn như GS Ngô Bảo Châu cũng từng là học sinh của trường.

2,Đội ngũ giáo viên trình độ cao. Hiếm có trường phổ thông nào có cả Phó Giáo sư và nhiều Tiến sĩ tham gia giảng dạy.

3, Phương pháp giảng dạy luôn được đổi mới, đặc biệt là giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh thực hiện thường xuyên.

Còn tiêu chí về cơ sở vật chất, trường tôi xếp hạng bét! Hiện nay bình quân đầu tư cho học sinh của trường mới được 4 triệu/học sinh/năm, trong khi trường chuyên THPT Amsterdam là 15 triệu/học sinh/năm. Trường không có sân đủ cho tất cả học sinh đứng chào cờ, không có phòng học lớn để thực hiện những buổi thuyết giảng và trình bày nhiều phương pháp tổ chức lớp học khác nhau. Trường có hơn 1300 học sinh, có 33 lớp nhưng có 27 phòng học, trong đó 10 phòng chứa được 50 học sinh, còn lại chỉ tối đa 30 học sinh. Các phòng học đã cũ, chật hẹp, không tiện bố trí thiết bị giảng dạy. Những buổi sinh hoạt toàn trường phải thuê hội trường,… Đã thế, 3 thầy hiệu phó phải chung 1 phòng nhưng chỉ có 1 bàn làm việc.

PV:Vậy để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu đào tạo, sớm thành trường chuyên THPT chuẩn quốc tế, PGS mong muốn gì?

PGS, TS Nguyễn Vũ Lương:Không riêng gì trường tôi khó khăn. Nước ta đang có bất cập, có những trường chuyên được đầu tư rất nhiều tiền, nhưng có trường lại được đầu tư quá ít.

Về đời sống của giáo viên nói chung, giáo viên chuyên THPT nói riêng còn khó khăn lắm. Giá cả thị trường tăng rất nhanh, nhưng tốc độ điều chỉnh lương cho giáo viên rất chậm. Như ở trường tôi, giáo viên trẻ mới ra trường, lương chỉ khoảng hơn 3 triệu/tháng, còn Phó Giáo sư như tôi, lương cao nhất trường, cũng chỉ khoảng 5 triệu/tháng. Ngoài lương, tiềng giảng dạy thêm  giờ cũng không đáng kể, nên giáo viên phải làm thêm mới trụ được.

Ở ta đang thiếu nhất là thầy, cô giỏi. Học sinh rất cần có thầy giỏi. Vì trong 3 năm học phổ thông, nếu học sinh gặp thầy không giỏi là thiệt thòi cho các em, lãng phí cho xã hội. Thầy, cô giỏi sẽ tăng hiệu quả, sức mạnh cho giáo dục. Đất nước có nền giáo dục mạnh thì các mặt khác sẽ mạnh theo.

PV:Vậy theo PGS cần làm gì để có nhiều thầy giỏi?

PGS, TS Nguyễn Vũ Lương:Yếu tố quan trọng nhất là duy trì đời sống người thầy và tạo điều kiện tốt cho họ làm việc. Các thầy, cô dạy trường chuyên đã nghèo vật chất nhưng giá trị tinh thần cũng được ít. Ở ta chưa có tiêu chuẩn đánh giá cao người thầy dạy được bao nhiêu học trò đạt giải quốc gia, quốc tế, đỗ thủ khoa đại học. Danh vị cũng hiếm có với các thầy, cô dạy cấp phổ thông, vì đầu tư vào giảng dạy cấp 3 tốn nhiều thời gian, không còn thời gian để làm nghiên cứu sinh và cao hơn nữa, làm được thạc sĩ cũng là cố gắng, vất vả lắm rồi.

PV: PGS lý giải gì về hiện tượng nhiều sinh viên học giỏi, khi tốt nghiệp đại học vẫn khó xin việc làm, nhiều người giỏi đi nước ngoài học xong không về nước làm việc?

PGS, TS Nguyễn Vũ Lương:Sự vô lý còn tồn tại nhiều ở nước ta. Chẳng hạn, có nhiều trường đại học lớn, nhiều thầy giỏi nhưng hiện nay rất ít học sinh thi vào học. Trong khi nhiều trường được coi là “hot” thì học sinh vào rất đông. Trường “hot” là vì học xong ra trường dễ xin được việc, còn thực chất sinh viên ở đó ra chưa chắc đã thực sự giỏi.

Do đó, muốn cho học sinh, đặc biệt là học sinh giỏi vào trường lớn học và hướng theo nghiên cứu khoa học thì nhà nước, xã hội cần tôn vinh, coi trọng và có chính sách ưu tiên những học sinh đó. 

Tại sao rất nhiều người giỏi đến với Singapore? Vì đất nước Singapore trả lương rất cao. Việt Nam ta có thể chưa làm được ngay như họ, nhưng cần xây dựng cơ chế cho phép các trường trả lương cao, tự xây dựng thương hiệu. Tính tự chủ của cơ chế không phải mở tuỳ tiện, không nên để tình trạng đầu vào đại học đạt hơn 12 điểm đã thành thủ khoa.

Cần phải có chuẩn hoá đối với các trường đại học. Hơn nữa, cần xây dựng trường đại học có danh tiếng, đầu tư đặc biệt vào đó, mời chào học sinh giỏi từ phổ thông vào học. Coi trọng các nhà khoa học hàng đầu và mời họ về đó giảng dạy. Những sinh viên tốt nghiệp tại các trường này phải được ưu tiên giải quyết việc làm và chế độ lương. Chưa có những trường như thế thì khó kéo sinh viên giỏi của ta sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là tốt nghiệp tại các trường danh tiếng trên thế giới về nước làm việc, vì họ sợ về không có chỗ để làm việc, nghiên cứu khoa học, và mức lương quá thấp.

Như trường tôi hiện nay, cái lo nhất là giáo viên giỏi, đặc biệt là giáo viên trẻ không gắn bó lâu được với trường cũng chỉ vì lương thấp. Cho nên, nói “chảy máu chất xám” khi thấy học sinh giỏi đi nước ngoài học xong không về hoặc không theo nghiên cứu khoa học là rất xót, rất tiếc. Nhưng tôi cũng lo chảy máu chất xám trước hết là ở đội ngũ người thầy giỏi khi không giữ được họ ở trường.

PV:Xincảm ơnPGS!./.