Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Các câu thành ngữ “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... đã khẳng định vị thế của người thầy giáo trong xã hội, đức tính hiếu học của nhân dân ta. Trong thời đại xây dựng xã hội học tập ngày nay, vai trò của người thầy lại càng không thể thiếu trong quá trình định hướng về tri thức, nhân cách và phương pháp, là tấm gương đối với người học.      

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm, ở Việt Nam, nhà giáo luôn gắn liền với sự nghiệp khai sáng dân trí, chấn hưng giáo dục, vun đắp tài năng. Xã hội học tập ở Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu không ngừng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài vì sự nghiệp trường tồn của dân tộc, sự phồn thịnh của quốc gia. Chức năng của nhà giáo trong xây dựng xã hội học tập càng quan trọng, càng cần thiết và có thể nói là một nhân tố không thể thiếu trong hình thành xã hội học tập - một điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Sự có mặt của những nhà giáo vững về chuyên môn, nhiệt huyết và được hỗ trợ đầy đủ có tầm đặc biệt quan trọng đối với tất cả các hình thức và cấp độ giáo dục từ mầm non đến tiểu học, trung học, dạy nghề, giáo đục đại học và đào tạo không chính quy.

Cùng chung quan điểm này, Giáo sư- Tiến sỹ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng nhà giáo chính là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính các nhà giáo cũng là một nhân tố tích cực trong xã hội học tập: “Nói đến giáo dục phải nói đến nhà giáo. Nhà giáo tức là chuyển tải được tri thức của loài người đến với người dân để người dân trở thành những người có tri thức. Sứ mạng của xã hội học tập là phải thực hiện được là ai cũng đi học và ai cũng học suốt đời. Nhà giáo trước hết phải động viên mọi người đi học và cũng phải tham gia vào việc học suốt đời”.

Phó Giáo sư- Tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng, trong xã hội học tập, khái niệm người thầy được mở rộng hơn, bao gồm cả những người thầy không được đào tạo bài bản mà họ giảng dạy những kiến thức, kinh nghiệm tốt cho những người chưa biết. Bên cạnh đó, nhiều người thầy không trực tiếp đứng lớp giảng dạy mà họ chuyển tải thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Giáo sư- Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Trần Công Khánh, nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội cũng khẳng định, trong quá trình học tập của mỗi người đều rất cần sự dẫn dắt của người thầy. Dù học tập với bất kỳ hình thức nào thì với vai trò dẫn dắt quá trình học hỏi, người thầy luôn là nguồn cung cấp giáo dục quan trọng nhất, là “linh hồn” của giáo dục. Người thầy đóng vai trò định hướng về tri thức, nhân cách và phương pháp, là tấm gương đối với người học.

Có thể khẳng định, trong xã hội học tập, người thầy chính là tâm điểm chuyển tải tri thức và không gì có thể thay thế được. Bằng tấm lòng nhẫn nại, bền bỉ, ham học hỏi và cái tâm trong sáng của mình, những nhà giáo đang tiếp tục đánh thức, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng của học trò. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), xin gửi lời tri ân và lời chúc đến những nhà giáo đã và đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người./.