Những tư tưởng, nguyên lý giáo dục cơ bản đã trở thành kinh điển, nhưng chưa bao giờ cũ, không chỉ người thầy, mà toàn xã hội phải nhập tâm.

Đó là: Giáo dục là sự nghiệp rất quan trọng và vẻ vang; cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Đó là: Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường gắn liền với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Đó là: Thầy ra thầy, trò ra trò; trường ra trường, lớp ra lớp.

Đó là: Thầy thi đua dạy tốt, trò thi đua học tốt.. Thầy giữ vai trò chủ đạo, trò giữ vai trò chủ động. 

thay-co_copy_copy.jpg
Từ ngàn đời nay, nhân dân ta đã có câu: Không thầy đố mày làm nên

Sản phẩm của quá trình giáo dục là con người, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, là một công dân tốt, một chiến sỹ tốt, một cán bộ tốt, biết phụng sự nhân dân, phụng sự đoàn thể, phụng sự Tổ quốc…

Những tư tưởng, nguyên lý đó, hình thành từ nhiều chục năm qua, định hướng cho nền giáo dục nước nhà vững bước đi lên, hoàn thành sứ mạng vinh quang và cao cả, kể cả trong những hoàn cảnh gian khó nhất. Tư tưởng, nguyên lý giáo dục đó, đến bây giờ vẫn nguyên giá trị.

Cải cách hay đổi mới giáo dục phải xuất phát từ những tư tưởng, nguyên lý cơ bản ấy, mới mong thành công. Đặc biệt, đổi mới hay cải cách giáo dục, phải lấy người thầy làm trung tâm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu ý: Không có giáo dục thì không có cán bộ, thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa. Người gọi các thầy cô giáo là “những anh hùng vô danh”.

Từ ngàn đời nay, nhân dân ta đã có câu: Không thầy đố mày làm nên. Cũng từ ngàn đời nay, dân gian đã hình thành nên thứ triết lý văn hóa tôn sư trọng đạo. Nghề dạy học, trước hết và cũng trên hết, là dạy làm người, vì thế người làm nghề dạy học được nhân dân suy tôn là thầy- thầy giáo. Có một thời, người làm thơ làm nhạc goi thầy giáo là kỹ sư tâm hồn, có vẻ tôn giá trị, vị trí người thầy. Nhưng ngẫm kỹ, không có từ nào, cách gọi nào hay hơn, chính xác hơn cách gọi Thầy giáo.

Người thầy là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Đổi mới giáo dục phải đổi mới toàn diện, nhưng trước hết và cơ bản, phải đổi mới khâu đào tạo thầy giáo và chính sách đãi ngộ người thầy.

Đã có một thời, trong chiến tranh và trong gian khó, học sinh vào trường sư phạm được tuyển chọn khá kỹ càng. Sinh viên sư phạm có mức học bổng cao hơn sinh viên các trường khác. Sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường được phân công công tác phù hợp…

Một khi điểm tuyển sinh đầu vào các trường sư phạm còn ở mức thấp so với mặt bằng tuyển sinh chung, thì không thể nói nâng cao chất lượng người thầy.

Một khi các trường sư phạm cũng phải “bình đẳng” trước sự chi phối của quy luật kinh tế thị trường, tiêu cực nhiều hơn tích cực, thì không thể có những lớp thầy giáo giỏi, yêu nghề, mô phạm, mẫu mực.

Không thể đòi hỏi người thầy nêu cao tấm gương sáng cho học sinh noi theo, một khi tốt nghiệp ra trường, để được làm cái nghề cao quý trong những nghề cao quý, người thầy tương lai phải quỵ lụy, chạy chọt!

Không thể đòi hỏi thầy ra thầy, thầy hết lòng vì học sinh thân yêu một khi đồng lương của người thầy không đủ đảm bảo cuộc sống bình thường của chính người thầy! Có thực mới vực được đạo, là lẽ đương nhiên.

Cải cách cách thức tuyển sinh đi liền với đổi mới chế độ chính sách cho sinh viên ngành sư phạm, thu hút học sinh khá giỏi vào các trường sư phạm; cải cách chế độ tiền lương cũng như chế độ đãi ngộ với người thầy…Đó sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng đội ngũ thầy giáo, tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhân ngày khai trường, nhớ lời người thầy vĩ đại-Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các em học sinh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Để có được lớp lớp những học trò làm cho “non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp”, dân tộc Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thì trước tiên phải biết yêu người thầy. Thầy có ra thầy, thầy có dạy tốt thì mới mong có trò học tốt, trò ra trò./.