Một trong bảy chương trình đột phá của TP HCM đến năm 2020 là chỉnh trang và phát triển đô thị. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu di dời 20.000 căn nhà ven và trên kênh, rạch. Tuy nhiên đến thời điểm này, công tác giải toả, di dời các hộ dân vẫn còn chậm. Lý do vì sao và đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Theo kế hoạch, tới năm 2020, TP HCM phải cơ bản hoàn tất di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Trong đó, 44 dự án di dời hơn 10.000 căn nhà được chỉnh trang bằng vốn ngân sách. Gần 9.000 căn nhà sẽ thực hiện bằng hình thức đối tác công tư PPP và 900 căn nhà được giải toả theo hình thức dự án đầu tư xây dựng nhà ở kết hợp với chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, cho tới nay mới có khoảng 500 căn nhà được di dời.
Khoảng 5.352 căn nhà dọc kênh Đôi, Quận 8, TP HCM sẽ bị di dời để cải tạo cảnh quan đô thị |
Các căn nhà này tập trung chủ yếu ở địa bàn Quận 4 và Quận 8, dọc theo 5 tuyến kênh chính: Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Quận 8 có số hộ dân sống ven và trên kênh rạch nhiều nhất, với hơn 12.300 căn. Đa số căn nhà này xây dựng không hợp pháp, lụp xụp, kết cấu tạm bợ, chắp vá. Những hộ dân ở đây có đời sống rất khó khăn, chủ yếu mưu sinh bằng việc làm thuê, làm mướn.
Một trong những nguyên nhân cho việc chậm giải toả, di dời là do tâm lý e ngại của người dân khi chuyển về nơi ở tái định cư do không tìm được công việc phù hợp và đã quen với việc sinh hoạt, buôn bán tại nơi ở cũ. Chung cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) là nơi ở tái định cư dành chủ yếu cho những hộ dân di dời từ ven kênh rạch với gần 2.000 căn hộ và hơn 500 nền đất. Tuy nhiên, số hộ dân về đây ở chưa đến 15% mặc dù dự án đã hoàn thành từ gần 5 năm nay.
Bà Nguyễn Ngọc Khánh Hợp, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 8 kiến nghị thành phố xem xét có những chính sách hỗ trợ ngoài việc tái định cư ra đào tạo, chuyển đổi nghề với những hộ sống ven kênh rạch, hỗ trợ giải quyết hộ khẩu khi người dân chọn nơi ở mới.
Một khó khăn khác là việc nguồn vốn ngân sách mà thành phố bố trí cho dự án này chỉ có 2.100 tỷ đồng, trong khí đó theo Sở Xây dựng TP HCM, cần hơn 30.000 tỷ đồng để thực hiện di dời, giải toả nhà ven và trên kênh rạch.
Ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM cho rằng nên có những ưu đãi cho nhà đầu tư tham gia dự án này: “Cho nhà đầu tư có những công trình công cộng, thậm chí là nhà hàng để kinh doanh, cho khai thác đúng quy định, điều kiện thì vừa có cảnh quan lại có khoản bù đắp chi phí cho nhà đầu tư”.
Để giải quyết bài toán thiếu vốn, Sở Xây dựng TP HCM cho biết sẽ cân đối nguồn vốn ngân sách để thực hiện dứt điểm các dự án đang thực hiện dở dang của giai đoạn trước, đồng thời phối hợp với các địa phương hoàn tất lựa chọn chủ đầu tư thực hiện những dự án trọng điểm như dự án di dời, giải phóng mặt bằng tuyến bờ Nam kênh Đôi; dự án rạch Xuyên Tâm và dự án rạch Văn Thánh.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM nói: “Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn theo kế hoạch, đề nghị các quận tiếp tục triển khai các bước, các thủ tục để được ghi vốn theo đúng quy định. Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm nội dung này, theo dõi đôn đốc để đưa vào kế hoạch vốn năm 2018, đảm bảo đúng kế hoạch”.
Việc di dời, giải toả nhà ven và trên kênh rạch là chương trình lớn của thành phố nhằm chăm lo, ổn định và nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời cải tạo, chỉnh trang và hiện đại hoá bộ mặt đô thị. Để thực hiện thành công dự án này, cần sự cố gắng và chung tay từ nhiều phía. Người dân cần hiểu và ủng hộ chủ trương này của thành phố và những nhà đầu tư khi tham gia thực hiện dự án cũng cần chia sẻ khó khăn vì mục tiêu chung phát triển TP HCM văn minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt./.
Nghệ An di dời hơn 500 người ra khỏi vùng nguy hiểm
Hà Nội sẽ di dời gần 2.000 hộ dân để quy hoạch lại đê sông Hồng