Với tác phẩm"40 năm ký kết Hiệp định Paris: Đỉnh cao thắng lợi ngoại giao Việt Nam"(phát sóng trực tiếp từ 7h – 13h30 ngày 27/1/2013) của nhóm tác giả Vũ Tài Dũng (Vũ Dũng), Vũ Hồ Điệp (Hồ Điệp), Nguyễn Hằng Nga (Hằng Nga) – Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam, đã vinh dự đoạt giải A Báo chí Quốc gia lần thứ VIII (năm 2013). Với 6 tiếng rưỡi làm phát thanh trực tiếp về một đề tài lịch sử, xử lý cả “kho” tài liệu khổng lồ đề chuyển tải cho thính giả trong và ngoài nước hiểu thấu đáo về trí tuệ, đỉnh cao ngoại giao của Việt Nam nhìn từ Hiệp định Paris năm 1973, những nhà báo trẻ sinh ra sau chiến tranh đã thực hiện xuất sắc trọng trách lãnh đạo Hệ giao phó, nhận được phản hồi tích cực từ dư luận, đặc biệt từ phía Bộ Ngoại giao, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Từ phải qua: Các nhà báo Vũ Dũng, Hồ Điệp cùng các khách mời là GS.NGND Vũ Dương Ninh, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế - ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) và PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà – Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tại phòng thu của VOV thực hiện trực tiếp chương trình
Đề tài lịch sử: Khó nhưng hấp dẫn
Nhà báo Hồ Điệp cho biết: “Có rất nhiều khó khăn khi thực hiện một chương trình phát thanh đặc biệt như vậy. Thứ nhất là việc tìm kiếm thông tin, tư liệu về Hiệp định Paris. Chúng tôi đã phải mất hơn một tháng chuẩn bị, tìm kiếm tư liệu ở các thư viện, tìm gặp các nhân chứng, tham vấn các nhà sử học, các nhà nghiên cứu lịch sử, ngoại giao… để xây dựng mạch ý tưởng chủ đạo, đảm bảo thông tin chính xác và lên khung chương trình. Cái khó thứ hai là làm thế nào để một chương trình về lịch sử hay, hấp dẫn và “sống” trong lòng thính giả. “Sống” ở đây là khi nghe về Hiệp định Paris, thính giả cảm nhận được dòng chảy của lịch sử, không khí khẩn trương, nỗ lực quyết tâm của cha ông ta, của dân tộc ta trong thời điểm ấy; làm thế nào để thu hút thính giả cùng tham gia, gắn bó với chương trình khi thực hiện trực tiếp. Thứ 3 là những yếu tố kỹ thuật. Chúng tôi đã kết nối trực tiếp với các điểm cầu trên khắp thế giới như Pháp, Nga, Mỹ để cùng các phóng viên Đài TNVN, với kiều bào ta ở nước ngoài nhìn lại sự kiện lịch sử này. Nói chung là khá vất vả”.
Với chương trình về Hiệp định Paris, có thể nói đây là một trong những dấu ấn nghề nghiệp quan trọng đối với nhóm tác giả. Nhà báo Hằng Nga thừa nhận, khách mời đã giúp chị thực hiện chương trình một cách hấp dẫn, không mắc sai sót. Qua những lần đến nhà khách mời là ông Lưu Văn Lợi, cố vấn của ông Lê Đức Thọ (người tham gia đàm phán Hiệp định Paris) trò chuyện, chị đã hiểu được lớp lang của vấn đề và được chia sẻ những câu chuyện thực tiễn sinh động để thực hiện chương trình một cách hay nhất, tránh được sai sót.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của nhà báo Hằng Nga chính là sự khâm phục trí nhớ tuyệt vời của nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi. Qua tiếp xúc, chị được nghe rất nhiều câu chuyện xảy ra trên bàn đàm phán, đó là cuộc đấu trí quyết liệt, dai dẳng với chi tiết mà ở mỗi góc nhìn đều có thể nhận ra những giá trị khác nhau. Cuộc đàm phán gần như đã trở thành huyền thoại trong ký ức của các nhà ngoại giao Việt Nam.
“Ông Lợi kể, nguồn tin duy nhất lúc đó là qua Đài TNVN. Ông Lợi hầu như không lúc nào rời chiếc radio nhỏ mang theo sang Paris và cuốn sổ tay luôn sẵn sàng ghi chép, cập nhật tình hình chiến trường để báo cáo ông Lê Đức Thọ. Câu chuyện ông Lợi kể lại đã cho tôi thêm tự hào đặc biệt về báo phát thanh mà mình đang theo đuổi, cũng như vô cùng hãnh diện về sự đóng góp của Đài TNVN vào sự thành công của các nhà ngoại giao trên bàn đàm phán Paris”, nhà báo Hằng Nga chia sẻ.
Nhà báo Vũ Dũng cũng khẳng định, ngoài việc thường xuyên đến nhà trò chuyện với khách mời, nhóm thực hiện chương trình phải đọc rất nhiều sách lịch sử. Giám đốc Hệ VOV 1 - nhà báo Uông Ngọc Dậu - là người khá am hiểu về lịch sử đã tư vấn cho nhóm nên đọc sách nào.
Anh chia sẻ: “Chúng tôi ngày nào cũng vùi đầu vào sách, đọc đọc chép chép, rồi gạch chân những chi tiết đáng chú ý, thậm chí còn so sánh sách này với sách kia. Điều lo ngại nhất của phóng viên khi dẫn một chương trình về lịch sử mà không hiểu bản chất của từng sự kiện, câu chuyện đặt vấn đề dễ bị “ngố”. Phải hiểu bản chất sự kiện đặt vấn đề mới trúng. Từ những sách lịch sử, qua tham vấn chuyên gia và sau nhiều lần nhóm họp, nhóm đã lên ý tưởng và chọn những chi tiết đắt để làm nổi bật chủ để của từng cụm, cũng như chủ đề xuyên suốt của chương trình. Nhóm còn mời những phóng viên chuyên theo dõi về mảng văn hóa xã hội của các hệ trong Đài ngồi bàn bạc để có những phóng sự hiện trường với những nhân chứng sống, tạo ra điểm nhấn cho chương trình. Chương trình đã sử dụng rất nhiều nghiệp vụ phát thanh để làm bật lên ý tưởng xuyên suốt, cũng như của từng cụm. Nếu chỉ làm theo kiểu liệt kê sự kiện, thính giả sẽ quay lưng với chương trình bởi những cái đó họ có thể dễ dàng tìm hiểu trên mạng, chẳng cần tốn thời gian nghe một chương trình kéo dài tới hơn 6 tiếng đồng hồ”.
Nhà báo Uông Ngọc Dậu, Giám đốc VOV1 (thứ 3 phải sang) cùng các khách mời và nhóm nhà báo VOV
“Không gì vui bằng được thính giả đón nhận”
Khi chương trình phát sóng, số điện thoại nóng luôn trong tình trạng “cháy máy”. Chương trình nhận được 600 cuộc điện thoại của thính giả muốn chia sẻ về những kỷ niệm mình đã trải qua; đưa ý kiến, cách nhìn nhận của họ về những vấn đề của lịch sử hay đặt câu hỏi cho những vị khách mời. Ngoài ra, chương trình còn nhận được hơn 100 email, tin nhắn gửi về. Nhà báo Hồ Điệp cho rằng, với những người thực hiện không gì vui bằng chương trình của mình được thính giả đón nhận, hơn nữa họ còn gọi điện chia sẻ. Sự khích lệ, động viện của thính giả làm cho phóng viên có ý thức hơn với nghề nghiệp để cho ra đời những chương trình có chất lượng, xứng với sự tin yêu của thính giả.
Nhà báo Vũ Dũng cho biết thêm, trong số những người gọi điện về chương trình có rất nhiều thính giả trẻ. Điều đó chứng tỏ giới trẻ không hề thờ ơ với lịch sử, điều quan trọng là chúng ta phải biết khơi đúng mạch. Chương trình có những chi tiết sống động, chân thực, có những điểm nhấn, có kịch tính và có những chỗ được đẩy lên cao trào tạo sự hấp dẫn thu hút thính giả. Nhà báo Hằng Nga cũng cho rằng, lịch sử không hề khô khan, tất cả là do cách truyền tải. Bởi thế khi được giao dẫn ở cụm 3: “Bài học đối thoại, hòa bình và hòa hợp”, chị đã chọn những chi tiết gần gũi với thính giả. Chị nhấn mạnh bài học ngoại giao nhân dân và truyền tải thông điệp “bản thân mỗi người dân là một nhà ngoại giao”. Vì cách đặt vấn đề đó, thính giả tự nhiên thấy mình có vai trò khá quan trọng và họ cởi mở gọi điện thoại đến chương trình để chia sẻ những suy nghĩ về vấn đề ngoại giao nhân dân.
Điều đặc biệt là sau khi chương trình được phát sóng, Bộ Ngoại giao đã xin chương trình về làm tư liệu, còn Trường Đại học KHXH&NV xin về làm tài liệu giảng dạy, tham khảo
Đích hướng tới là thính giả nghe đài
Bận rộn, tự đặt áp lực công việc cho mình song rất năng động và vui vẻ, đó là cảm nhận của bất kỳ ai khi đến và tiếp xúc với các nhà báo Hệ VOV1 nói chung và 3 nhà báo “tâm điểm” của giải A năm nay nói riêng. Dù đều là “người nhà Đài”, song tôi cũng phải “năm lần bảy lượt” mới hẹn gặp được nhóm tác giả, bởi ai cũng bận rộn, cả ngày “xoay vần” với những thông tin báo chí nỏng hổi, đem tới tính giả những góc phân tích đa chiều, sắc sảo trên sóng mỗi ngày mà không tự cho phép mình nghỉ ngơi.
Theo Giám đốc VOV1 Uông Ngọc Dậu: “Mặc dù tại các giải Báo chí quốc gia và Liên hoan Phát thanh, Hệ VOV1 luôn có những tác phẩm đoạt giải A, nhưng đó không phải là cái đích mà chúng tôi hướng tới. Cái đích chúng tôi hướng tới là thính giả, làm sao để đưa đến cho họ những tác phẩm có chất lượng, phản ánh được hơi thở của cuộc sống. Từng phóng viên của Hệ luôn có ý thức vươn lên, nâng tầm của mình để thực hiện những chương trình mà chất lượng tương thích với cái danh, cái tầm của Đài mình đang phục vụ - Đài Phát thanh quốc gia. Với ý thức làm việc như vậy, một năm có 365 ngày, ngày nào Hệ VOV1 cũng có tác phẩm xuất sắc. Vì thế những tác phẩm được chọn tham dự các giải thưởng báo chí luôn gây được sự chú ý của hội đồng chung khảo”./.