Xã Tân Sơn, thuộc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai ở xa biên giới, trước đây thường xuyên xảy ra tình trạng người dân vượt biên trái phép ra nước ngoài. Thế nhưng vài năm nay, Tân Sơn không chỉ khắc phục được tình trạng vượt biên mà còn đón nhận nhiều người trở về ổn định cuộc sống.

Trở về để không phải sống chui lủi

Tháng 6/2013, nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ, lừa phỉnh, Ksor Eli, ở làng Tiêng 2, xã Tân Sơn, thành phố Pleiku bán 2 sào rưỡi đất trồng lúa, lấy 160 triệu đồng, bỏ trốn sang Campuchia, rồi đến nước thứ 3 là Thái Lan. Chưa đầy 1 tháng sau, H’ Ngọc, vợ Eli cũng tìm sang với chồng.

Đến xứ người, vợ chồng Eli vỡ mộng về cuộc sống ở đây hoàn toàn trái ngược với lời giới thiệu hoa mỹ của kẻ xấu. Họ phải sống chui lủi trong khu nhà dành cho lao động vượt biên trái phép để trốn cảnh sát; làm vất vả 12 tiếng/1 ngày, nhưng tiền công chỉ được quá nửa so với người bản địa. Giữa lúc chới với, cực khổ và cả sợ hãi, vợ chồng Eli nhận được điện thoại và lời hứa giúp đỡ của ông Phạm Phụng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, nên yên tâm trở lại quê hương.

vuot_bien_naev.jpg
Vợ chồng Ksor Eli trở về quê xây dựng cuộc sống

Ksor Eli nói:“Cuộc sống ở Thái Lan rất khó khăn và vất vả, phải đi làm thuê, sống chui lủi; tiền công, người Thái làm 1 ngày được 700 đến 1.000 baht, nhưng em làm thì 1 ngày được 400 baht, chi tiêu thì đủ sống qua ngày. Sau khi liên lạc thì chú Phụng vận động gia đình tôi trở về Việt Nam. “Cái gì chú Phụng lo, tụi con về đi không sao đâu”, chú Phụng nói vậy đó. Sau khi về, chú Phụng tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn và làm lại cuộc sống mới. Tôi tin tưởng cuộc sống sẽ đỡ hơn cuộc sống ở nước ngoài”.Được vận động về nước cùng đợt với vợ chồng Ksor Eli, Ksor Nai ở làng Tiêng 2 cũng đang bắt tay vào việc gây dựng tương lai.

Ngày Nai bán xe máy và dốc toàn bộ tiền tiết kiệm để bỏ nhà đi, bà A Lam, mẹ của Nai khóc ròng nhiều ngày vì lo lắng. Ngay sau khi nhận được liên lạc của con trai, bà Lam báo cáo chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ vận động Nai trở về. Sau 2 tháng làm công tác vận động ở cơ sở, Nai không những yên tâm về nước, mà còn là cầu nối, tuyên truyền viên vận động được thêm 6 người khác có hoàn cảnh giống mình. Giờ đây, trong ngôi nhà ấm cúng, tràn ngập tiếng cười đoàn tụ, bà A Lam, mẹ của Nai biết ơn chính quyền địa phương đã hỗ trợ vốn để mùa sau Nai bắt tay vào canh tác cà phê.

Bà A Lam chia sẻ: “Khi Nai bỏ đi, gia đình rất buồn, không yên tâm, sợ nó lạc hay chết rồi. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã biết thông tin và xuống gặp gia đình. Sau này, gia đình nhận được điện thoại của Nai ở Campuchia gọi về nhờ sự giúp đỡ, chính quyền xã kịp thời cam kết, viết thư ngỏ, báo cáo lãnh đạo các cấp tạo điều kiện cho Nai trở về địa phương. Lãnh đạo địa phương cũng hỗ trợ vật chất như gạo, mì tôm giúp cho Nai ổn định cuộc sống ban đầu”.

Không ở đâu bằng quê nhà

Tân Sơn là xã vùng ven của thành phố Pleiku, có gần một nửa dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù cách xa biên giới, nhưng hàng năm vẫn xuất hiện tình trạng người dân vượt biên trái phép. Trong hai năm 2013 và 2014, ở đây xảy ra tổng số 15 vụ. Nhưng năm 2015 này, tình trạng đã được khắc phục. Không những vậy, tháng 7 vừa qua, xã còn vận động được 7 trường hợp trở về đoàn tụ cùng gia đình, lo phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Theo lãnh đạo xã Tân Sơn, kinh nghiệm để xã nhanh chóng khắc phục tình trạng vượt biên trái phép, ổn định đời sống nhân dân là phối hợp thật chặt chẽ giữa  bộ phận chức năng và các đoàn thể để xử lý nhanh và rốt ráo các vụ việc.

Mỗi khi công an xã phát hiện dấu hiệu không bình thường ở cơ sở thì chính quyền xã đều kịp thời tổ chức đoàn công tác xuống địa bàn làm công tác tuyên truyền, giải thích để ổn định tư tưởng. Đối với những người vượt biên trở về, chính quyền hỗ trợ ngay các điều kiện ban đầu; đồng thời làm cầu nối tới các nguồn vốn, hỗ trợ họ ổn định cuộc sống.

Ông Phạm Phụng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tân Sơn, thành phố Pleiku cho biết: “Sau khi các đối tượng về, chúng tôi cùng các ban ngành đoàn thể của xã cũng tạo điều kiện hỗ trợ lương thực, thực phẩm và ổn định tư tưởng cho họ. Nếu trường hợp  gia đình có nhu cầu vay vốn, ổn định kinh tế thì Đảng ủy, Ủy ban sẽ làm việc với một số ngân hàng để tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn, tạo điều kiện cho họ làm ăn, ổn định cuộc sống”.

Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự đùm bọc, yêu thương của hàng xóm, láng giềng, những người trở về đã thấm thía không nơi đâu cho họ cuộc sống hạnh phúc, yên ấm như chính quê hương. Tân Sơn bây giờ không còn tình trạng vượt biên trái phép, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,4%./.