Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1110/VPCP - TH ngày 27/2/2012 về việc xử lý thông tin đăng trên Báo Công lý và Báo Kinh tế nông thôn, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ngày 14/3 đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình về thông tin rừng phòng hộ Đak Đoa bị tàn phá, rừng thuộc 02 xã Đak Sơ Mei và Hà Đông, huyện Đak Đoa đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Báo cáo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai thừa nhận vụ việc các báo phản ánh là có, nhưng mức độ và tính chất vụ việc không như phản ánh của các báo.

Cụ thể, từ tháng 11/2011 đến tháng 2/2012, trên địa bàn huyện Đak Đoa xảy ra 23 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép với tổng diện tích 22,65 ha thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, nằm rải rác trên 05 tiểu khu: 413, 415, 416, 418, 456 thuộc địa bàn 3 xã: Hà Đông, Đak Sơ Mei, Hải Giang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Trong đó: diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng là 12,87 ha và diện tích đất có rừng là 9,78 ha (thuộc quy hoạch rừng sản xuất 7,6 ha và thuộc quy hoạch rừng phòng hộ là 2,18 ha, thuộc rừng thứ sinh) chứ không phải có hàng chục hecta rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh bị chặt phá như báo đã phản ánh.

Cây có đường kính khoảng 30cm bị đánh dấu V

Đối tượng vi phạm là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các làng Kon Jôt, Kon Pram, Kon Ma Ha xã Hà Đông và làng Bok Rẫy, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa phá rừng lấy đất làm nương rẫy (một số diện tích bị chặt phá giáp ranh với nương rẫy đang canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu lấn chiếm đất rừng để cơi nới nương rẫy).

Báo cáo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai cũng cho biết, một số cây gỗ to bị cưa xẻ thành khối, hộp chưa được vận chuyển ra khỏi rừng như các báo nêu là có thật, nhưng đối tượng cưa xẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số sống trên địa bàn các xã, huyện Đak Đoa cưa xẻ để lấy gỗ làm nhà, sửa chữa nhà ở. Hiện chưa phát hiện tình trạng “lâm tặc” khai thác, mua bán, cưa xẻ, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn 2 xã Hà Đông, Đak Sơ Mei.

Về việc đánh dấu bằng hình chữ V hoặc bằng hai que xếp hình dấu cộng (+) trên một số cây gỗ có đường kính từ 30 - 50cm như báo nêu là có thật. Theo phong tục của đồng bào địa phương, việc đánh dấu này để xác định cây đã có chủ.

Theo phản ánh của các báo, cách chốt Kiểm lâm khoảng 300m, người dân dựng lều, trại tiếp tục chặt phá rừng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra, xác minh của tỉnh thì đó là các lều trại của công nhân thi công tuyến đường từ xã Đak Sơ Mei đi xã Hà Đông, huyện Đak Đoa và của các hộ thu mua hàng nông sản (mỳ khô) của người dân trên địa bàn xã Hà Đông, huyện Đak Đoa.

Báo cáo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai cũng đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể để khẳng định chính quyền địa phương, Bản quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, Hạt Kiểm lâm Đak Đoa đã vào cuộc kịp thời chứ không như các báo cho rằng các cơ quan chức năng không hề “nóng” để tiến hành kiểm tra, tổ chức ngăn chặn có hiệu quả.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai cũng cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức kỷ luật cụ thể đối với tập thể, cá nhân có liên quan của Ban quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, Hạt Kiểm lâm Đak Đoa và cá nhân Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, Kiểm lâm địa bàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đak Đoa đã để xảy ra vụ dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép trong thời gian qua; Điều tra, nắm chắc đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đối với những vụ đủ căn cứ, điều kiện để xử lý hình sự thì kiên quyết điều tra, khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và truy tố theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân Chủ tịch UBND các xã Hà Đông, Đak Sơ Mei, Hải Giang trong việc để xảy ra vụ dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép trong thời gian qua./.