Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cho biết, tính đến 18 giờ chiều qua (16/10), toàn bộ hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đã được khôi phục và đưa vào sử dụng; có 25/29 điểm bị sạt lở, ngập nước được trả đường với tốc độ chạy tàu chậm, từ 5km/giờ. Còn bốn điểm bị sạt lở, bị ngập nặng dự kiến sẽ khắc phục và hoàn thành chậm nhất vào 18 giờ ngày hôm nay (17/10) để thông tàu chạy tuyến đường sắt Bắc-Nam trở lại sau ba ngày bị gián đoạn.

Các điểm đã sửa chữa trả tốc độ chạy tàu gồm từ km355+300-km355+400, km389+000-km390+100,km392+000-km393+000,km396+625-k396+650…đường số 1, 3 ga La Khê km404+350, ga Đồng Hới, ga Lệ Kỳ, ga Mỹ Đức…

Còn lại các điểm đang khắc phục và dự kiến hoàn thành vào 18 giờ chiều nay (17/10) là km452+000 đến km453+000 đang điều hòa đá, hạ thấp nền đá, cố định nền tà vẹt gỗ; km461+800 đến km462+500 đang vào đá, điều hòa đá, nâng chèn; km464+330 đến km464+400 đang chồng nề tà vẹt gỗ; km467+900 đến km468+250 đang xả đá, chồng nề tà vẹt gỗ.

Trao đổi qua điện thoại, ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN đang trực tiếp chỉ huy cứu chữa đường sắt Bắc – Nam bị hư hỏng nặng từ Nghệ An vào đến Quảng Trị do mưa lũ cho biết, ngành Đường sắt đã huy động hơn 1.000 nhân lực cùng các thiết bị, vật tư từ các công ty đường sắt Hà Ninh, Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình… vào cứu chữa, khắc phục các điểm bị ách tắc, hư hỏng, nước rút đến đâu làm luôn đến đó. Vì vậy, toàn tuyến có 29 điểm phải sữa chữa, khắc phục, đến nay chỉ còn 2 điểm nặng nhất là km 452 khu gian Ngọc Lâm – Lệ Sơn và 468+300 Lệ Sơn – Minh Lệ.

ga_tau_12_imqi.jpg
Đường sắt qua Quảng Bình bị hư hỏng nặng nề

Trước đó, đến 4h sáng nay (16/10), đoạn Minh Lệ - Tiên An hơn 100km đã khắc phục xong, trả đường; Tiếp theo, đoạn Hương Phố - Ngọc Lâm thông xe lúc 8h40. Tổng công ty Đường sắt VN đang tập trung 500 lao động tích cực cứu chữa hai điểm hư hỏng nặng nhất này.

“Dự kiến khoảng 18 giờ chiều nay (17/10) chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục xong 2 điểm nặng nhất, thông đường toàn tuyến. Tuy nhiên đây mới chỉ là khắc phục tạm thời để thông đường, chạy tàu, còn để khôi phục toàn tuyến sẽ mất thời gian dài. Tàu chạy qua một số điểm xung yếu bị trôi cầu, hỏng cống, đã khắc phục tạm thời vẫn phải chạy chậm, có nhân viên dẫn đường để đảm bảo an toàn”, ông Hưng nói và cho biết thêm, để nhanh chóng thông đường, ngoài nhân lực, ngành Đường sắt đã phải đưa vào công trình khối lượng lớn vật tư, máy móc, thiết bị như máy đa năng, máy xúc, máy đào, máy chèn, tà vẹt, rọ đá…”, ông Hưng cho biết thêm.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, trong mấy ngày qua, kế hoạch tổ chức vận tải của Tổng công ty có điều chỉnh thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, kể từ tối nay 16/10, tại Sài Gòn ngành đường sắt sẽ tổ chức 2 đôi tàu SE2, SE4 xuất phát từ ga Sài Gòn chạy thẳng đến ga Hà Nội.

Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt cho biết, nếu thông đường vào 18h chiều nay, kế hoạch dự kiến tàu Thống Nhất chạy suốt xuất phát Ga Sài Gòn tối qua (16/10) sẽ chạy ra đến Hà Nội và đầu Hà Nội xuất phát tối hôm nay (17/10) sẽ vào thẳng Sài Gòn như bình thường. Tàu hàng đang nằm chờ dọc đường sẽ tiếp tục hành trình. Trong khi đó, các chuyến tàu hàng khác phải chờ thông đường mới có kế hoạch tổ chức chạy tàu.

Theo ông Nam, từ ngày 17/10 sẽ tổ chức chạy các tàu SE2, SE4, SE6, SE8, TN2 xuất phát từ ga Sài Gòn đi thẳng đến ga Hà Nội; chạy tàu SE22 xuất phát từ ga Sài Gòn đi thẳng đến ga Vinh và từ ngày 18/10 tổ chức chạy tàu SE21 xuất phát từ ga Vinh đi thẳng ga Sài Gòn.

Tại Hà Nội, ngày 17/10 tổ chức chạy tàu TN1, SE1, SE3 đến ga Sài Gòn; tổ chức chạy tầu SE19 xuất phát từ ga Hà Nội đi thẳng đến ga Đà Nẵng và bãi bỏ các tàu SE5, SE7. Từ ngày 18/10, tổ chức chạy tầu SE1, SE3, SE5, SE7, TN1 xuất phát từ ga Hà Nội đi thẳng đến ga Sài Gòn; tổ chức chạy tàu SE20 xuất phát từ ga Đà Nẵng đi thẳng ga Hà Nội./.