Đầu những năm 30, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia cách mạng và chuyển ra căn cứ địa Việt Bắc thì mãi đến năm 1962, tức hơn 30 năm sau ông mới có dịp trở về quê hương. Và lần cuối cùng Đại tướng về thăm quê là tháng 11/2004. Hôm nay, bà con quê nhà lại đón Đại tướng trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ Quảng Bình.

Cây khế cổ thụ trong vườn nhà Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã hơn 100 tuổi. Dưới cây khế này, ngày xưa cậu bé Võ Giáp hay ngồi học bài cùng những người bạn.

Lần cuối về thăm quê năm 2004, Đại tướng nhắc nhiều về những kỷ niệm thời ấu thơ.

anh1.jpg
Thầy trò học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Lệ Thủy đến nhà lưu niệm tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bà Võ Thị Lài, cháu họ của Đại tướng nhớ như in lần cuối Đại tướng về thăm quê. Bà Lài kể: Hồi đó, Đại tướng ở lại trong ngôi nhà cũ lâu hơn, kể cho con cháu nghe nhiều chuyện xưa gắn với ngôi nhà và mảnh vườn nhỏ này.

Lần nào về thăm quê, Đại tướng cũng dặn dò cán bộ địa phương rằng: Quê mình dày đặc những cồn cát, đối mặt với nạn cát bay, cát nhảy, cát lấp mất làng nên cần phải trồng rừng và bảo vệ rừng. Năm 1999 về thăm quê, ông dành thời gian đến thăm mẹ Nghèng, ở xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới.

Mẹ Nghèng là người suốt 45 năm miệt mài gánh nước, tự tay trồng được 200 ha rừng phi lao phòng hộ ven biển. Nhiều người dân xã Quang Phú mãi nhớ hình ảnh ông già tóc bạc có nụ cười hiền hậu, mắc võng nằm dưới rừng phi lao, chuyện trò với các cháu thiếu nhi. Vậy mà giờ đây, vị Đại tướng già đã ra đi, mẹ Nghèng không còn nữa, rừng phi lao năm xưa cũng xơ xác buồn sau giông bão.

Ông Hoàng Bá Ngôn, con rể mẹ Nghèng lau đi lau lại tấm ảnh của mẹ Nghèn chụp chung với Đại tướng lòng dâng trào niềm thương tiếc.

Ông Ngôn nhớ lại: “Đại tướng cầm tay mẹ, rồi trao quà cho mẹ như tình cảm anh em. Đại tướng căn dặn mẹ là cố gắng trồng rừng và bảo vệ môi trường vừa là chống được cát biển lấn. Đại tướng dặn là cần bảo vệ sức khỏe, động viên chị em trong đội trồng cây, phấn đấu làm sao cho rừng cây luôn luôn phát triển”.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, nhà nghiên cứu lịch sử Văn hóa Quảng Bình có nhiều lần được gặp Đại tướng kể lại: Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng hỏi rất kỹ tình hình con em đến trường, về cơ sở trường lớp có đủ không, có đứng vững trước lụt bão không, đồ dùng dạy học có hiện đại không, hấp dẫn không.

Đại tướng chỉ ra cho lãnh đạo địa phương những định hướng tư duy giáo dục hiện đại, chống bệnh thành tích.

Ông Nguyễn Khắc Thái nhớ mãi hình ảnh vị Đại tướng gần gũi, bình dị: “Thời điểm đó, tôi đang là học sinh trường phổ thông cấp II Lệ Thủy nằm trong đội thiếu niên danh dự đi đón Đại tướng. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi được thấy Đại tướng bằng xương, bằng thịt. Đại tướng bước đến ôm hôn các cháu, ôm hôn và bắt tay người lớn. Tôi thấy đôi mắt Đại tướng ngấn lệ. Đại tướng quay người nhìn khắp nơi, con đò, bến nước, lũy tre, những ngôi nhà tranh đơn sơ, những thửa ruộng và con trâu nặng nhọc kéo cày... Tất cả như được thu vào trong đôi mắt sáng ấy mà không muốn dứt”.

Cứ mỗi lần về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại hòa vào niềm vui của bà con quê nhà. Hôm nay, người dân Quảng Bình được đón vị Đại tướng huyền thoại, một vị tướng lừng danh của nhân loại trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ./.