Nhà báo Trần Hồng, nguyên phóng viên báo Quân đội Nhân dân được công chúng biết tới là một người chuyên chụp ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm ảnh về Đại tướng, được đồng nghiệp, các hãng truyền thông trong và ngoài nước đánh giá cao.

Kể chuyện Đại tướng bằng hơn 2.000 bức ảnh

Gần 40 năm làm báo, thì cũng là ngần ấy thời gian ông được tiếp cận và chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1973, nhà báo Trần Hồng tốt nghiệp khóa 1 chuyên ngành nhiếp ảnh trường Tuyên huấn Trung ương và làm việc tại báo Quân đội nhân. Ông được Tòa soạn phân công chụp ảnh những sự kiện lớn của đất nước và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

tran-hong.jpg
Nhà báo Trần Hồng

Nhưng theo nhà báo Trần Hồng, cơ hội tốt nhất để ông được tiếp cận và chụp ảnh Đại tướng là vào tháng 10/1994. Nhà báo nhớ mãi buổi chiều hôm ấy, cũng trong tiết trời thu đầy nắng vàng, ông vào nhà Đại tướng và tha thiết muốn được chụp ảnh Đại tướng, nhưng ông Nguyễn Huyên, Chánh Văn phòng lúc bấy giờ nói rằng, đó là việc rất khó.

Trong lúc chưa biết phải làm thế nào thì Đại tướng đi qua và hỏi nhà báo Trần Hồng: “Cậu ở báo nào?”. “Thưa Đại tướng, tôi là phóng viên báo Quân đội nhân dân”. “Cậu vào đây để làm gì?”. “Thưa Đại tướng, tôi vào đây để chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Đại tướng nhìn nhà báo Trần Hồng rất lâu và ông quay lại nói với Đại tá Nguyễn Huyên “Cậu này có thể vào gặp tôi bất cứ lúc nào”.

Đối với nhà báo Trần Hồng, đó là một trong rất nhiều kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông luôn ghi trong tâm khảm của mình. “Ngay buổi sáng hôm sau, mới 5h30, tôi đã đến 30 Hoàng Diệu để chụp ảnh Đại tướng. Từ đó đến nay, ngoài nhiệm vụ chính ở báo quân đội nhân dân thì chụp ảnh Đại tướng là một mảng tự do nhất của tôi, không ai ra kế hoạch cho tôi và tôi cũng không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của tôi, bởi tôi được làm những điều cần làm và  thích làm. Tôi không ngờ lại được tiếp cận một con người quá vĩ đại. Từ khi được tiếp cận Đại tướng năm 1994 đến nay, càng đọc tài liệu và được tiếp xúc với các cựu chiến binh, nhất là gặp một số đồng nghiệp người nước ngoài, tôi càng vỡ ra mình đang được tiếp cận với pho tư liệu đồ sộ, khai thác đến đâu cũng không hết được. Cứ như thế, tôi mải miết làm những công việc mình say mê. Cho đến nay, trong kho ảnh của tôi có khoảng 2.000 bức ảnh về Đại tướng”.

Nhà báo Trần Hồng cho biết, ông rất thích tấm ảnh Phút thảnh thơi của Đại tướng bên cây đàn Piano 

Để có được một tấm ảnh ưng ý về Đại tướng, nhà báo Trần Hồng có nhiều lần đã phải “hy sinh” cả cuộn phim, có những chuyến đi ông phải dùng đến cả chục cuộn.  Mà đối với phóng viên ảnh lúc bấy giờ, mỗi cuộn phim đối với họ vô cùng quý giá. “Cũng may mắn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu tôi. Tất cả các đồng nghiệp đều cho rằng tôi là người quá may mắn”.

Còn đối với nhà báo Trần Hồng, đến nay ông cũng chưa lý giải được một cách tường tận về sự may mắn đó của mình. Ông chỉ nghĩ rằng cơ duyên bắt nguồn trong một dịp vào tháng 12/1992, khi ông triển lãm ảnh chân dung đầu tiên về Đại tướng ở 45 Tràng Tiền, Hà Nội, Đại tướng đã đến xem rất say sưa và ghi lại lưu bút ở triển lãm. Và lần thứ 2 vào năm 1995, khi nhà báo Trần Hồng triển lãm chân dung Mẹ, ông cũng vinh dự được Đại tướng đến xem. “Tôi tự "ngộ nhận" để động viên mình rằng, trong 2 lần xem triển lãm ấy và lần gặp gỡ để chụp ảnh Đại tướng, ông đã tin tưởng và cho tôi đặc ân được chụp hình ông bất kỳ lúc nào”.

Nhà báo Trần Hồng tâm sự, trong cuộc đời một người, nhất là người dân Việt Nam, nếu 1 lần được gặp Đại tướng thì đã là rất may mắn. Còn đối với ông, đây là cơ may quá lớn, mỗi lần bấm máy chụp hình Đại tướng, ông đều có một rung cảm đặc biệt, bởi trước ống kính của nhà báo Trần Hồng là một con người quá vĩ đại nhưng lại thật gần gũi, giản dị. Nhưng đôi khi, chính sự rung cảm đó lại “làm hại” nhà báo, vì lúc đó ông không làm chủ được cảm xúc, làm cho những bức hình đôi chút mờ nhòe, không đúng với mong muốn của mình. “Nhưng phần lớn là tôi rất tự tin và những gì tôi ao ước chụp Đại tướng là tôi chụp được và tôi rất mãn nguyện với bộ ảnh của mình”.

Có lẽ vì thế, khi Đại tướng 95 tuổi, nhà báo Trần Hồng là người đầu tiên mở ra một điều kiện để cho các đồng nghiệp làm báo tiếp cận với tư liệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là việc ông mở triển lãm tại Quảng Bình, và sau đó là 4 cuộc triển lãm về Đại tướng. Cuộc triển lãm thứ 2 nhà báo Trần Hồng tổ chức ở Hà Nội đúng dịp Đại tướng tròn 100 tuổi, lúc đó có sự bùng nổ thông tin rất lớn. Rất nhiều hãng truyền hình quốc tế và các đồng nghiệp, tòa soạn báo trong nước đã có cơ hội đến với kho tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một cuộc triển lãm về Đại tướng được tổ chức tại Hà Tĩnh cũng để lại cho nhà báo Trần Hồng nhiều kỷ niệm. Ông kể, nhiều lần về quê, nhiều bà con mong mỏi được gặp Đại tướng. Nhà báo Trần Hồng chợt nghĩ, mình có cả một kho ảnh về Đại tướng, tại sao lại không đáp ứng yêu cầu của bà con bằng cách tổ chức một cuộc triển lãm ở quê nhà để những người khao khát gặp Đại tướng được tiếp cận ông một cách gián tiếp. Cuộc triển lãm dự kiến kéo dài 5 ngày nhưng do yêu cầu của bà con quá lớn, cuộc triển lãm phải kéo dài 7 ngày, rồi 10 ngày. Sau cuộc triển lãm này, toàn bộ số ảnh Nhà báo Trần Hồng dành tặng lại bà con ở đây.

Nhân cách, con người Đại tướng có sức cuốn hút kỳ lạ

Trong những lần chụp ảnh Đại tướng, nhà báo Trần Hồng không khỏi cảm phục vì con người Đại tướng vĩ đại là thế nhưng cũng vô cùng giản dị. Ông kể, sau cuộc triển lãm về Đại tướng của ông ở Quảng Bình, ông đem các bức ảnh trở về Hà Nội, thì nhận được một bức thư tay của vợ chồng Đại tướng viết rằng: “Anh Hồng ơi, bao giờ anh ở nhà, để vợ chồng tôi đến xem ảnh”. “Qua đây mới thấy sự khiêm tốn của vợ chồng Đại tướng đến nhường nào. Ở địa vị như vợ chồng Đại tướng đối với một người lính hạng bét như tôi, ông bà có thể ra lệnh để tôi đem ảnh đến, không phải có những lời lẽ khiêm nhường đến như vậy”.

Trong những lần chụp ảnh và tiếp xúc với Đại tướng, nhà báo Trần Hồng luôn cảm nhận được những nét văn hóa rất Việt Nam từ con người Đại tướng. “Ở góc độ nào, Đại tướng cũng bộc lộ những nét văn hóa rất Việt Nam. Ví dụ ông lên Điện Biên, gặp đồng bào dân tộc Tày ông nói tiếng Tày, gặp đồng bào dân tộc Thái ông nói tiếng Thái…. Và đến sau hơn 50 năm ông vẫn không quên một từ nào trong các thứ tiếng dân tộc mà ông nói chuyện. Và ông vào Quảng Bình, gặp người dân ông luôn gần gũi, ân cần qua những việc rất nhỏ như “Năm nay mùa cá nhà ta thế nào?”, "Nhà ta có mấy đứa đi học, chắc vất vả?"...  Tiếp xúc với đối tượng nào, Đại tướng đều hòa mình trong bối cảnh đó để mọi người cảm thấy gần gũi. Người ta thấy ở Đại tướng tình thân ái bằng những hành động rất cụ thể.

Nhà báo Trần Hồng: "Khi tôi đưa tấm ảnh cho nhà văn Sơn Tùng, nhà văn nói rằng chỉ những người độ thiền quá cao siêu thì mới ngồi được như Đại tướng". 

Nhà báo Trần Hồng còn nhớ mãi lần đi với Đại tướng về Quảng Bình. Trên đường, người giúp việc của Đại tướng mở cơm nắm ra cho ông ăn. Những hình ảnh như vậy vẫn làm nhà báo Trần Hồng rưng rưng mỗi khi nhớ lại “Tôi không thể hình dung được một vị Đại tướng lại gần gũi, giản dị đến như vậy”.

Rồi có lần Đại tướng thăm Điện Biên, mọi người từ già đến trẻ ùa tới và nói “Ông nội đã về”. Khi máy bay cất cánh ở Mường Phăng, tất cả lại đồng thanh “ông nội đã về Giàng”. Có những người chưa bao giờ đặt chân đến Hà Nội và không biết chữ, nhưng nói đến Đại tướng, họ coi đó là ông nội.

Có nhiều dịp được đi cùng Đại tướng, nhà báo Trần Hồng lại càng khám phá ra nhiều điều thú vị ở con người Đại tướng. “Qua hoạt động hàng ngày của Đại tướng, ông luôn luôn tìm cho mình sự thanh thản tốt nhất. Cứ 5h sáng hàng ngày, ông lại nhập thiền. Khi tôi chụp ảnh ông nhập thiền, thì tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là người già tập thiền. Nhưng khi tôi đưa tấm ảnh đó cho nhà văn Sơn Tùng, nhà văn nói rằng chỉ những người độ thiền quá cao siêu thì hai chân mới ngồi được như Đại tướng. Qua những việc như vậy, có thể thấy Đại tướng đã tìm hiểu điều gì thì ông đi đến tận cùng để tìm ra bản chất của nó và dường như ông am hiểu mọi vấn đề”.

Nhà báo Trần Hồng kể có lần ông vào chụp ảnh Đại tướng, Đại tướng hỏi vì sao lại mang 2 máy ảnh màu và đen trắng, thời buổi này ai chụp bằng máy đen trắng. Nhà báo Trần Hồng thưa rằng: “Con thích chụp bằng máy đen trắng vì chụp như vậy mới bộc lộ được bản chất sự việc, vì không bị các màu khác che lấp”. Nghe vậy, Đại tướng gật gù nói rằng “Cậu “ranh” lắm”. Đó là cách dùng từ địa phương của người Quảng Bình và Hà Tĩnh, “ranh” được hiểu như một lời khen dành cho nhà báo Trần Hồng và cũng cho thấy sự am hiểu, uyên bác của Đại tướng.

Nhà báo Trần Hồng tâm sự, chính nhân cách, con người của Đại tướng đã có sức cuốn hút ông đến kỳ lạ, ông say sưa chụp ảnh Đại tướng mà với mỗi góc ảnh, lại cho ông thêm một khám phá mới lạ về con người Đại tướng. “Ở con người Đại tướng, luôn có sức lan tỏa. Và thực tế hôm nay có hàng triệu người đến viếng ông đã chứng minh điều đó, để nói rằng tấm lòng của người dân Việt Nam đối với ông là vô hạn”.

Nhà báo Trần Hồng vinh dự được chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Khi nghe tin Đại tướng lâm chung, nhà báo Trần Hồng tâm sự, ông rất bình tĩnh và gọi điện đến những nơi có thể xác minh lại thông tin. “Ngay lúc đó, tôi không sốc, nhưng chỉ sau đó vài phút, tôi cảm thấy bàng hoàng và bỏ bữa cơm đang ăn dở. Tôi như mất mát một điều gì đó quá đỗi thân thuộc, gần gũi, như đã mặc định trong tôi. Tôi chợt nhận ra rằng, từ nay trước ống kính của tôi sẽ không còn hình ảnh thân thuộc của Đại tướng. Tôi lẳng lặng đến chỗ Đại tướng điều trị ở Bệnh viện 108. Chưa bao giờ tôi thấy bệnh viện vắng lặng đến như thế...”.

Nhà báo Trần Hồng tâm sự, ao ước lớn nhất của ông bây giờ là được dự ngày tổ chức lễ tang Đại tướng ở Hà Nội và đưa Đại tướng về với quê nhà Quảng Bình. Có lẽ, đó cũng là niềm an ủi lớn nhất đối với với nhà báo Trần Hồng khi phải vĩnh biệt một con người mà suốt sự nghiệp của mình, ông luôn dành trọn sự đam mê./.