Tối 4/10, từ nguồn tin nội bộ thông báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần khiến Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Lan – người phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trong không chiến vào 3/4/1965 nghẹn ngào, xúc động. Vì quy luật ngặt nghèo của sự sống, vẫn biết rằng ngày buồn ấy sẽ đến, nhưng rồi ai cũng thấy bàng hoàng.
“Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những ai từng làm việc, gặp gỡ đều khẳng định rằng ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người Tướng lĩnh, người “anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông không chỉ là người tướng lĩnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta mà còn là vị Đại tướng được bạn bè quốc tế nể phục. Dù biết sự ra đi của Đại tướng là quy luật của lẽ tự nhiên, nhưng khi nhận được thông tin này tôi cảm thấy thực sự đột ngột và hụt hẫng”, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan nghẹn ngào nói.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Có lẽ trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan không ngờ rằng có ngày ông sẽ trở thành phi công lái máy bay Mig và được nhiều lần gặp gỡ, được vị Tổng tư lệnh trực tiếp tin tưởng giao nhiệm vụ trong những trận đánh có tính chất chiến lược cho những thời kỳ lịch sử.
Trong hồi ức của người cựu phi công ấy, những kỷ niệm được ông cất giữ như một báu vật về một bậc thiên tài, người “anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam lại ùa về.
Sau hiệp định Giơnevơ, Phạm Ngọc Lan và nhiều đồng chí khác tập kết ra Bắc. Nhờ những thành tích chiến đấu của mình (bắt được 6 lính ngụy và 1 lính Pháp) ông đã được cấp trên chọn đi học quân sự ở nước ngoài. Lúc đầu, ông có nguyện vọng được đi học lái xe tăng, nhưng rồi bạn bè đi hết, chỉ còn mình ông và vài đồng chí là vẫn ở lại. Cứ tưởng ông đã bị trượt, nhưng không ngờ một ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho người đến, đọc danh sách những người đi học lái máy bay, trong đó có tên Phạm Ngọc Lan. “Đó là một cơ duyên mà sau này tôi mới biết-một cơ duyên làm thay đổi cuộc đời mình”, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan xúc động.
Sau nhiều năm được cử đi đào tạo, rèn luyện tại Trung Quốc, tới 8/1964 ông về nước, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu đầu tiên.
Ngày 3/4/1965, Đế quốc Mỹ chính thức sử dụng máy bay ném bom bắn phá miền Bắc, ông được lệnh dẫn đầu cùng với 3 người đồng đội khác được lệnh bay vào bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).
Bằng tinh thần quyết tâm cao trận đầu tiên, 4 người lính đã phối hợp ăn ý sáng tạo với dân quân Nam Ngạn, Hàm Rồng bắn rơi chiếc F8U. Đó là chiếc máy bay phản lực Mỹ đầu tiên đã bị Không quân Nhân dân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Phạm Ngọc Lan trở thành phi công đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam lập chiến công.
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Lan |
Sau trận đánh đó, ông Phạm Ngọc Lan vừa đáp phi cơ xuống, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đích thân tới sân bay, hồ hởi bắt tay động viên, hỏi han tình hình không chiến. Kể đến đây, đôi mắt cựu phi công như sáng lên: “Tôi vẫn nhớ như in câu hỏi chiến lược của Đại tướng: - Phi công của ta có đánh được phi công Mỹ hay không? Lúc bấy giờ tôi trả lời ngay: - Báo cáo Đại tướng, phi công của ta hoàn toàn đánh bại được phi công của Mỹ”. Và điều đó đã được lịch sử chứng minh rất rõ ràng.
Đại tướng còn căn dặn: Quân đội ta bây giờ mới có máy bay, nhưng máy bay, khí tài của chúng ta thua kém của địch nhiều và phi công của chúng ta mới huấn luyện, mới bắt đầu chiến đấu trên không. Vì vậy phải nghiên cứu cách đánh thật chuẩn xác, có hiệu quả. Thứ 2 là vừa đánh, vừa phải bảo vệ lực lượng của mình để chiến đấu lâu dài. Nhiều dịp sau đó, Tổng Tư lệnh xuống Quân chủng Không quân – nơi Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan công tác để thăm hỏi chiến sĩ anh em, dặn dò từng cách đánh. Kể cả cách mưu trí, dũng cảm, ngoan cường ra sao khi chinh chiến với kẻ thù.
Sau này, khi về làm việc tại Bộ Tổng tham mưu, năm nào Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan cũng đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cách đây 3 năm, ông có dịp đến mừng Đại tướng đại thọ 100 tuổi. Gặp ông, Đại tướng bắt tay thân mật, dặn dò chú ý giữ gìn sức khỏe, công tác tốt. Vừa trò chuyện, Đại tướng vừa căn dặn: - Mình còn sức khỏe, còn trí tuệ thì còn cống hiến cho quân đội, cho nhân dân.
“Với tôi, mỗi lần đến gặp bác Giáp cũng giống như một lần đến gặp Bác Hồ. Mỗi lời dặn dò của Người đều làm cho tôi tiến bộ hơn”, nói đến đây Thiếu tướng Ngọc Lan bật khóc.
Nói về sự vĩ đại của một vị tướng tài năng xuất chúng, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan chia sẻ thêm: “Đại tướng rất tỷ mỉ trong từng cách đánh, từng chiến thuật chứ không chỉ nói về những vấn đề chiến lược. Đại tướng không phải là phi công nhưng cách ông nói, các chiến thuật trong từng cách đánh cụ thể lại như một người phi công sừng sỏ.
Những bài học, những câu chuyện tâm tình chỉ dẫn như bố -con, anh -em, tướng lĩnh dạy cho binh sĩ luôn được Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ghi nhớ. Hiếm có trên thế giới này có một vị tướng tài năng và đức độ đến thế. Sự gần gũi, dung dị đã đưa ông trở thành một vị tướng có tầm ảnh hưởng, nhận được tình yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và sự nể trọng của bạn bè quốc tế”.
Lúc này, khi đã ý thức về thực tế Đại tướng đã mãi mãi ra đi, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan nghẹn ngào: “Đại tướng qua đời là mất mát to lớn của dân tộc, quân đội và cả nhân dân Việt Nam. Người là vị tướng giỏi, là anh hùng dân tộc. Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Tướng Giáp đánh đâu thắng đấy, càng đánh càng mạnh, tài trí thông minh. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh bại 2 thế lực hùng cường là Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, đưa nước ta tới thắng lợi hoàn toàn. Công lao to lớn ấy, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đời đời ghi nhớ”./.