Mặc dù vừa công bố hết dịch tả lợn Châu Phi ở huyện Phong Điền được một tuần, nhưng đến nay cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế lại phát hiện ổ dịch mới tại địa phương này và nhiều huyện, thị xã khác. Địa phương đã huy động nhiều lực lượng tham gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, việc khoanh vùng, khống chế dịch bệnh hiện nay vẫn nhiều khó khăn.
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại chốt kiếm dịch Phong Điền, Thừa Thiên Huế. |
Ổ dịch tả lợn Châu Phi mới nhất được phát hiện vào sáng 22/5, tại đàn lợn của người chăn nuôi nhỏ lẻ ở xã Phong Thu và Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus tả lợn Châu Phi, cơ quan chức năng lập tức tiêu hủy 11 con lợn tại địa phương này.
Trước đó, trong 2 ngày 18 và 19/5, cơ quan chức năng phát hiện và tiêu hủy đàn lợn 8 con dương tính với virut tả lợn Châu Phi tại gia đình bà Dương Thị Thưởng, ở phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy. Các ổ dịch mới được phát hiện ở 2 thị xã Hương Trà, Hương Thủy; các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và thành phố Huế. Trong đó, thị xã Hương Trà, phát hiện ở 13 hộ thuộc 5 xã, phường với 66 con lợn dương tính với virut tả lợn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, nhiều người chăn nuôi lợn rất lo lắng. Bà Trần Thị Lài, ở thôn Phú Ổ, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà cho biết, các cán bộ thú y đã phun hóa chất tiêu độc khử trùng quanh chuồng trại nhưng bà vẫn bất an. Theo hướng dẫn của cán bộ thú y, bà Trần Thị Lài không cho đàn lợn của mình ăn các thức ăn dư thừa, không rõ nguồn gốc nhằm hạn chế nguy cơ lây bệnh.
"Cho lợn ăn thức ăn tự làm thôi, như gạo, cám, rau mà phải nấu chín cho ăn. Tình trạng này tôi lo lắm, đợt này dịch đại trà, gia đình có heo dính dịch bệnh thì biết làm sao tránh được, mà heo đã bị bệnh thì không ai dám giấu dịch đâu", bà Lài thấp thỏm.
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập nhiều chốt kiểm dịch tạm thời để tiêu độc các phương tiện đi vào vùng dịch, hạn chế người, phương tiện ra vào vùng dịch. Các cơ quan liên ngành đã phát 50.000 tờ rơi để tuyên truyền và cam kết thực hiện “5 không” đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đó là cam kết không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết, các chủ giết mổ nhập lợn phải có nguồn gốc rõ ràng và khỏe mạnh; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt lợn chết ra môi trường...
Các chốt kiểm dịch được lập trên Quốc lộ 1A túc trực 24/24 giờ, giám sát chặt chẽ, nghiêm cấm các hành vi vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch. Ông Lê Văn Hoàng, Kỹ thuật viên kiểm dịch tại chốt kiểm dịch huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mỗi ngày có khoảng 20 đến 30 xe chở gia súc đi qua chốt. Các xe được yêu cầu dừng để lực lượng chức năng kiểm tra lâm sàng, phun hóa chất tiêu độc khử trùng. Nếu phát hiện lợn có triệu chứng của dịch tả lợn Châu Phi sẽ tạm giữ phương tiện và gia súc, tiến hành lấy mẫu và đem tiêu hủy tại chổ nếu có dịch.
"Các xe có che bịt thì mình khó nhận định nhưng xe chở thấy rõ ràng thì dễ phát hiện hơn. Điều kiện hiện nay lực lượng còn ít, trong lúc trực mà có dịch xảy ra thì các lực lượng cũng phải điều về đi thực tế tại các địa phương”, ông Lê Văn Hoàng cho hay.
Đến thời điểm này, dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 14 xã thuộc 6 huyện, thị xã và thành phố tại tỉnh Thừa Thiên Huế với số lợn mắc bệnh và tiêu hủy gần 200 con. Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát trở lại tại nhiều huyện, thị xã trên địa bàn. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh nên việc khoanh vùng xử lý dịch chỉ ở biện pháp tiêu độc khử trùng bên ngoài môi trường để khống chế dịch.
Ngành chăn nuôi đã cấp 24.000 lít hóa chất, 85 tấn vôi bột cho các địa phương để xử lý ổ dịch và vệ sinh, xử lý hố chôn. Theo ông Nguyễn Văn Hưng, bà con chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, tận dụng các nguồn thức ăn thừa hoặc lấy từ khắp nơi về cho lợn ăn khiến tả lợn Châu Phi dễ bùng phát.
"Cả hệ thống chính trị vào cuộc rất quyết liệt, hiện nay các giải pháp tập trung nhất là phát hiện sớm, xử lý nhanh trong phạm vi 1 ngày. Khó khăn nhất là vấn đề khoanh vùng bởi vì có thể khoanh vùng được nhưng đã khoanh vùng dập dịch rồi thì phải khống chế, không chế cần phải có vắc xin, thiếu giải pháp vắc xin nên không có vùng đệm, vùng để bao vây”, ông Nguyễn Văn Hưngcho biết./.