Chị Phạm Thu Thanh, công nhân may tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, công ty chị chủ yếu sản xuất hàng may mặc, xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu. Trong mùa dịch Covid-19, lao động thường xuyên phải giảm giờ làm, làm luân phiên do không có đơn hàng, hoặc những đơn hàng cũ đã sản xuất nhưng cũng không thể xuất đi. Dù chưa có thông báo chính thức về mức thưởng Tết, xong những công nhân như chị Thanh cũng chuẩn bị trước tinh thần thưởng Tết năm nay có thể sẽ bị giảm so với những năm trước đây.
Chị Nguyễn Thị Phương, giáo viên dạy tiếng Nhật tại một công ty chuyên về xuất khẩu lao động tại Hải Dương cũng cho biết, do dịch Covid-19, mọi hoạt động đưa người lao động đi nước làm việc ngoài đều bị tạm ngưng. Công ty chị phải ngưng mọi hoạt động từ đầu năm đến tận 1/9 mới bắt đầu hoạt động trở lại, điều này đồng nghĩa với việc những nhân viên như chị phải nghỉ việc không lương nhiều tháng liền. Hoạt động công ty bị gián đoạn, ngay từ cuối tháng 11, công ty đã thông báo mức thưởng Tết 2021 có thể bị giảm xuống còn 2 triệu đồng/người thay vì 1 tháng lương cơ bản, khoảng 5 triệu như trước đây.
Cuối năm, thưởng Tết là vấn đề được nhiều lao động quan tâm. Đây không chỉ là sự động viên, khích lệ, biện pháp giữ chân lao động của doanh nghiệp, tiền thưởng cũng là một khoản kinh phí giúp lao động trang trải dịp Tết.
Theo Luật Lao động 2019, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Thưởng Tết có thể không bằng tiền mà bằng hiện vật, đồng thời, doanh nghiệp cũng không bắt buộc phải thưởng Tết Dương lịch cho người lao động. Điều này càng khiến nhiều lao động lo ngại doanh nghiệp sẽ thưởng bằng hiện vật, hoặc các sản phẩm của công ty sản xuất để bù vào tiền thưởng. Thực tế, những năm trước đây, đã có nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” khi người lao động được thưởng Tết bằng vật liệu xây dựng, giấy vệ sinh...
Trao đổi về vấn đề thưởng Tết, bà Trần Thu Hằng, phòng Hành chính công ty TNHH Minh Tiến cho biết, dù tình hình kinh doanh khó khăn, song công ty vẫn sẽ cân đối, đảm bảo quyền lợi người lao động và tài chính doanh nghiệp. Hàng năm, mức thưởng Tết của các nhân viên khác nhau, tùy thuộc vào xếp hạng, đánh giá lao động cuối năm của từng người. Trung bình, lao động sẽ được hưởng từ 10-15 triệu đồng/tháng kèm với các hiện vật như các gói quà Tết, sản phẩm của công ty...
Tuy nhiên, bà Trần Thu Hằng cũng cho rằng, các quà tặng hiện vật chỉ mang tính chất kèm theo bên cạnh tiền thưởng. Quà Tết bằng hiện vật phải thực sự có ý nghĩa, thiết thực, có tính sử dụng cao với người lao động trong dịp Tết và với số lượng vừa phải, hợp với nhu cầu.
Bà Đặng Thị Nhạn, Phòng Nhân sự Công ty Bách Tường Phát – cho biết, công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối các sản phẩm nội thất, gia dụng, điện tử... Bà Nhạn cho hay, thưởng Tết tùy thuộc vào tình hình kinh doanh hàng năm của công ty. Thông thường, nhân viên sẽ được thưởng Tết 1 tháng lương kèm theo quà Tết. Tuy nhiên, năm 2020, tình hình kinh doanh bị tác động mạnh do dịch Covid-19, nhiều tháng giãn cách xã hội, các siêu thị điện máy, các cửa hàng bán lẻ của công ty gần như đóng băng, ngưng hoạt động, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, do đó, thưởng Tết sẽ chỉ đáp ứng được ở mức cơ bản.
“Các chính sách cơ bản vẫn sẽ được đảm bảo, mức thưởng có thể giảm một chút. Doanh nghiệp vẫn có thể có thêm những phần thưởng khác ngoài tiền thưởng, nhưng chắc chắn không thể bằng năm ngoái”, bà Nhạn cho biết.
Bà Đặng Thị Nhạn cho rằng, nhìn chung, dù khó khăn các doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng đảm bảo chế độ để khích lệ và đảm bảo đời sống cho người lao động dịp cuối năm: “Chúng tôi hy vọng người lao động cùng chia sẻ với doanh nghiệp để vượt qua khó khăn”.
Cũng theo bà Đặng Thị Nhạn, công ty vẫn sẽ thưởng tiền, thay vì hiện vật cho người lao động: “Tôi cho rằng, tâm lý lao động đi làm cả năm vẫn thích có tiền thưởng hơn là tặng bằng hiện vật để có thể chủ động mua sắm theo nhu cầu dịp Tết. Có thứ người này cần, người kia lại không cần. Do đó, việc tặng quà Tết nên căn cứ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp, sản phẩm của công ty là gì, người lao động có thực sự cần hay không”.
Bà Cao Minh Xuyến, phòng nhân sự công ty TNHH Y tế Phúc Bình cũng cho biết, doanh thu công ty năm 2020 giảm mạnh: “Dịch Covid-19 khiến nhiều người có tâm lý ngại đến các cơ sở y tế, sợ bị lây nhiễm. Chúng tôi cố gắng giữ nguyên mức thưởng như những năm trước là tháng lương thứ 13, tùy theo vị trí, lao động có thể nhận được từ 6-10 triệu đồng. Còn nếu kỳ vọng thưởng Tết tăng hơn năm trước là rất khó xảy ra”, bà Xuyến cho biết.
Từ thực tế của nền kinh tế, bà Tống Thị Minh, nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cũng dự báo rằng, mức lương thưởng Tết năm 2021 khó tăng so với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp sẽ cố gắng giữ ở mức như những năm trước hoặc giảm nhẹ. Tuy nhiên, bà Minh cho rằng, chắc chắn các doanh nghiệp vẫn sẽ có thưởng Tết để động viên, khuyến khích người lao động.
“Mức thưởng có thể giữ nguyên hoặc giảm, tuy nhiên, đây là khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế trong nước cũng như thế giới, người lao động và doanh nghiệp cần cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn”, bà Minh cho hay.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu các cấp công đoàn cần tập trung tổ chức các hoạt động cụ thể, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động. Công đoàn cơ sở cũng phải chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai và giám sát thực hiện kế hoạch trả tiền lương, tiền thưởng, các khoản phúc lợi khác đảm bảo quyền lợi của đoàn viên và người lao động.
Ngoài ra, công đoàn cơ sở cũng cần chủ động nắm tình hình và báo cáo kịp thời với công đoàn cấp trên về doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp bị phá sản, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn chưa trả hoặc không trả được tiền lương, tiền thưởng trước Tết, ảnh hưởng đến đoàn viên và người lao động không có điều kiện đón Tết./.