Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh đang được tỉnh Hải Dương triển khai thế nào? Người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương sẽ đón một cái Tết cổ truyền ra sao, đặc biệt là trong các khu vực cách ly, phong tỏa?
Về nội dung này, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.
PV: Thưa ông, dịch bệnh Covid-19 đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương được hơn 10 ngày. Ông có thể đánh giá sơ bộ thế nào về công tác phòng chống dịch đến thời điểm này tại địa phương?
Ông Phạm Xuân Thăng: Tình hình dịch bệnh hiện nay chúng tôi đánh giá vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, bước đầu chúng tôi đã kiểm soát được, các tâm dịch như thành phố Chí Linh, chúng tôi tiến hành phong tỏa toàn bộ thành phố. Tất cả các đối tượng F1 đã được cách ly tập trung và chỉ phát sinh thêm những ca bệnh mới phát sinh trong các khu cách ly chứ không phát sinh ngoài cộng đồng. Cùng với đó là các huyện như là Kim Thành, thị xã Kinh Môn, các đối tượng F1 cũng đã được cách ly, phát sinh ca dương tính mới cũng nằm trong khu cách ly. Hiện nay, chúng tôi đã đang tập trung cao độ triển khai các biện pháp cấp bách xử lý ổ dịch tại huyện Cẩm Giàng, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng và sẽ tiến tới khống chế được ổ dịch mới phát sinh tại huyện Cẩm Giàng.
PV: Có thể nói rằng, tình hình dịch bệnh tại Hải Dương đến thời điểm này đã được kiểm soát, nhờ việc khoanh đúng ổ dịch và kịp thời triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh. Tỉnh Hải Dương đặt ra quyết tâm thế nào trong "cuộc chiến" này như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Xuân Thăng: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 có thể nói là chưa từng xảy ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã nêu một quyết tâm chính trị rất cao. Đó là đặt trạng thái công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong toàn tỉnh đối với công tác phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm chính trị số 1 trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi cũng đặt ra một phương châm xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch. Đó là bình tĩnh, tự tin, chủ động, quyết liệt và bốn tại chỗ.
Hiện nay, chúng tôi đã có những giải pháp rất cụ thể và rất quyết liệt để phòng, chống dịch, như: đã tiến hành truy vết, xác định rất nhanh các đối tượng F1, cùng với đó chúng tôi tổ chức xét nghiệm rất nhanh, trả kết quả rất nhanh... Hiện nay, đối với tất cả địa phương, dù là có dịch hay chưa thì chúng tôi đều yêu cầu xây dựng các kịch bản sẵn sàng để đối phó với các tình huống xấu hơn và chuẩn bị lực lượng công an, quân đội, y tế và các lực lượng có liên quan sẵn sàng cho tình huống đó.
PV: Hải Dương đã có kinh nghiệm trong đợt dịch Covid-19 năm 2020. So với những đợt dịch trước đó, đợt dịch này, sự lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống dịch có những điểm mới và đã phát huy hiệu quả thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Xuân Thăng: So với những lần trước thì có thể nói là lần này chúng tôi đã có nhiều điểm mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trước hết là chúng tôi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng các văn bản rất kịp thời. Cho đến nay chúng tôi đã ban hành chỉ thị số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban hành 4 thông báo kết luận để giải quyết những tình huống phát sinh trong quá trình dập dịch. So với lần trước thì chúng tôi xác định phương châm là trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch rất tập trung, rất quyết liệt và rất linh hoạt và theo phương châm "lửa to thì quây to, lửa bé thì quây bé", tức là tùy theo cấp độ, tùy theo mức độ nguy hiểm của dịch bệnh thì tiến hành các biện pháp tương ứng để đảm bảo là vừa chống dịch nhưng cũng vừa duy trì sản xuất kinh doanh cơ bản, bình thường.
Điểm mới thứ hai là chúng tôi đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào trong cái việc lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch. Chúng tôi tiến hành lập các anh nhóm zalo để truyền tải thông tin lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch một cách nhanh nhất. Chúng tôi xây dựng phần mềm để từ việc lấy mẫu xét nghiệm đến việc xét nghiệm và trả kết quả được đồng bộ và nhanh nhất, từ đó làm căn cứ để xử lý các tình huống xảy ra trong thực tế.
PV: Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay sẽ hết sức đặc biệt với người dân Hải Dương. Công tác chăm lo Tết cho người dân, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh được tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hải Dương thực hiện thế nào?
Ông Phạm Xuân Thăng: Nói về bình diện chung, người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn đón cái Tết khá đầm ấm, vui vẻ. Tuy nhiên, những vùng đang có dịch và những vùng đang phong tỏa như thành phố Chí Linh hay có những điểm dân cư bị cách ly y tế thì người dân vẫn đón Tết trong không khí vui tươi nhưng an toàn và đón Tết ở gia đình là chính, hạn chế mức độ thấp nhất sự giao lưu với bên ngoài để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, chúng tôi đã có chủ trương chăm lo Tết cho những người trong khu cách ly tập trung và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Tỉnh đã đầu tư một lượng kinh phí để nâng mức ăn trong 3 ngày Tết cho các lực lượng phòng, chống dịch và các đối tượng cách ly y tế trong khu tập trung và có bồi dưỡng, động viên kịp thời các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
PV: Xin cảm ơn ông!/.