Là địa phương có ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Bắc Giang trong đợt dịch lần này, nhưng đến nay, huyện Lục Nam đã kiểm soát được tình hình và ít có khả năng dịch lây nhiễm trong cộng đồng nhờ việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Bí thư Huyện ủy Lục Nam cho biết, để không bị rơi vào tình thế bị động, ngay từ khi mới có 7 ca F0 đầu tiên, địa phương đã chủ động lên phương án giãn cách xã hội tại một số điểm nóng về dịch (theo chỉ thị 15, 16) tùy tình hình và mức độ. Đồng thời, tăng công suất gấp ba lần nhằm thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm sớm khoanh vùng dập dịch. Địa phương đã xây dựng 34 điểm cách ly tập trung, với sức chứa tối đa 4.000 người, chủ động phương án cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Thời điểm nóng nhất, tại các khu cách ly tập trung ở Lục Nam có hơn 2.000 F1 và dù xuất hiện F0 trong khu cách ly nhưng không xảy ra tình trạng lây chéo. Đây được xem là một trong nỗ lực rất lớn của địa phương.
Bên cạnh đó, với mạng lưới gần 1.500 Tổ COVID-19 cộng đồng (với 4.500 nhân lực), hoạt động theo cách thức đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà và rà soát từng người, huyện Lục Nam đã làm rất tốt công tác điều tra, giám sát dịch tễ. Để khích lệ tinh thần làm việc, huyện Lục Nam đã tự trích ra hơn 1 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ các Tổ COVID-19.
“Về vấn đề sàng lọc, nhờ sự chi viện lực lượng tới từ Bộ Y tế, dự kiến từ 6-10/6, huyện Lục Nam sẽ tiến hành tổ chức xét nghiệm RT-PCR cho hơn 60.000 người (là đại diện cho 60.000 hộ gia đình). Đây là mục tiêu lớn của Lục Nam nhằm sàng lọc, truy vết một cách triệt để những trường hợp có nguy cơ cao, qua đó tách họ một cách nhanh nhất ra khỏi cộng đồng, tránh để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng đang được triển khai tốt tại địa phương”, bà Dung thông tin thêm.
Thực hiện tốt “mục tiêu kép”
Làn sóng dịch lần này tại Bắc Giang xảy ra đúng thời điểm huyện Lục Nam đang vào mùa vụ thu hoạch nông sản (vải, dưa hấu, dứa...). Chính vì vậy, vấn đề tiêu thụ nông sản cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu được lãnh đạo huyện Lục Nam đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh việc nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản, chính quyền hỗ trợ các hộ dân xây dựng lò sấy vải. Ước tính kinh phí bỏ ra khoảng 3-4 tỷ đồng, mục tiêu nhằm cứu 300 tỷ nguồn thu từ vải cho bà con nông dân.
Đối với các doanh nghiệp, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Lục Nam yêu cầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch. Đề nghị các doanh nghiệp phải thành lập các tổ điều tra, giám sát dịch; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, phản ánh thông tin; người lao động phải khai báo y tế đầy đủ, trung thực và thường xuyên được test nhanh, xét nghiệm để sàng lọc; chủ động rà soát lại và thực hiện đảm bảo các quy định của Bộ Y tế về tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp an toàn về phòng, chống dịch COVID-19./.
>> Sáng 5/6, có 75 ca mắc COVID-19 mới trong nước, riêng Bắc Giang 45 ca