a1_vov_tnly.jpg
Ga Hà Nội sẽ bị vây bởi các cao ốc 40 - 70 tầng?

TP. Hà Nội vừa gửi văn bản xin ý kiến các bộ ngành liên quan về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, trong đó có việc xây dựng lại nhà ga này với chức năng là ga trung tâm tàu khách và liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; xây dựng một số công trình từ 40 đến 70 tầng trong khu vực...

Trước đề xuất này, các chuyên gia, kiến trúc sư lo ngại việc xây tổ hợp nhà cao 40 đến 70 tầng khu vực ga Hà Nội sẽ phá vỡ quy hoạch kiến trúc nội đô và gây quá tải trầm trọng giao thông cũng như các hạ tầng khác. Ngoài ra, còn một loạt các câu hỏi, vấn đề liên quan cần được giải quyết thấu đáo như có lợi ích nhóm hay không, giải bài toán quy hoạch thế nào khi Hà Nội là người quy hoạch nhưng liên tiếp phá vỡ quy hoạch.

Phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực giao thông

Theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử, được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành từ tháng 4/2016, tại điều 9 nêu rõ: khu vực xung quanh ga Hà Nội được xây dựng cao tối đa 18 tầng, khoảng 65 m.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng không có lý do gì TP. Hà Nội không tôn trọng những quy định do chính mình đặt ra.

Từ văn bản này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng, quy chế trên được xây dựng trên cơ sở từ Quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 và Luật Thủ đô đã được ban hành.

“Do vậy, không có lý do gì TP. Hà Nội không tôn trọng những quy định do chính mình đặt ra”, KTS Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, TP. Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. “Nếu xây nhà cao tầng từ 40 - 70 tầng ở đây sẽ làm gia tăng dân số, tăng áp lực giao thông của khu vực”, ông Nghiêm nêu quan điểm.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS-KTS Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá, trong những năm gần đây công tác quản lý vận hành quy hoạch không tốt, hàng trăm nhà cao tầng được xây dựng trong thành phố đã phá vỡ mong muốn bảo tồn hình ảnh truyền thống của đô thị, đe dọa các di sản nghìn năm lịch sử.

Bên trong ga Hà Nội.

“Khi giải tỏa các công trình, di dời nhà máy ra ngoại thành, ngay lập tức khu chung cư, nhà cao tầng mọc lên ở đó, làm dân số tăng nhiều lần. Trong 5 năm qua dân số Hà Nội không giảm được xuống còn 80.000 người như quy hoạch mà đã tăng gấp đôi”, ông Hanh khẳng định.

TP. Hà Nội cần phải làm rõ nội dung đề xuất quy hoạch khu vực Ga Hà Nội như vậy có phá vỡ nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch nội thành hay không.

“Nếu giải thích được điều đó thì dân đồng tình ủng hộ. Còn chỉ giải thích một số vấn đề lợi ích mang tính cục bộ thì khả năng thuyết phục được công chúng là rất khó, các Bộ ngành cũng không dám đồng ý”, ông Hanh nhìn nhận.

Đề xuất mang tính lợi ích nhóm?

Phản đối gay gắt bản đề xuất này của TP. Hà Nội, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hiện là Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, khu vực ga Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành đều là những tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc. Nếu xây dựng nhà cao tầng từ 40 - 70 tầng thì càng tắc nghẽn hơn.

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hiện là Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Cái thiếu ở khu vực này là công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân chứ không phải nhà cao tầng. Lợi ích nhóm cho các nhà kinh doanh bất động sản ở đây là rất rõ.

“Tôi cho rằng đề xuất này có động cơ mang lại lợi ích từ bất động sản cho một nhóm người nào đó, hơn là vì mục tiêu chung cho Hà Nội. Những năm gần đây, công tác quản lý quy hoạch của Hà Nội bị buông lỏng, nhà cao tầng mọc lên tùy tiện, dân số tập trung ngày càng cao. Cái thiếu ở khu vực này là công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân chứ không phải nhà cao tầng”, TS Phạm Sỹ Liêm phân tích.

Theo ông Liêm, “Hà Nội từng mong muốn khu vực nội đô chỉ có 80 vạn dân thôi, nhưng mà chính Hà Nội lại liên tục phá vỡ quy hoạch, toàn xây nhà cao tầng, như khu triển lãm Giảng Võ, một số nơi khác. Mâu thuẫn như thế nhưng mà không biết sao vẫn cứ trót lọt. Điều này có nghĩa là lợi ích nhóm có sức mạnh rất lớn”.

Bên cạnh đó, ông Liêm cho rằng cần xem xét lại, liệu việc làm quy hoạch lần này có giống như Hà Nội trước đó đã giao cho 2 doanh nghiệp làm quy hoạch ở ngoài sông Hồng vừa qua hay không. Từ đó ông Liêm cho rằng “Lợi ích nhóm ở đây là rất rõ”.

Liên quan đến bản quy hoạch này, KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng khẳng định bản thân không đồng tình với ý tưởng trên.

Mỗi ngày, ga Hà Nội mang trọng trách chuyên chở hàng ngày lượt khách xuôi Nam, ngược Bắc.

Theo ông Đức, xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới là không xây dựng quá nhiều nhà cao tầng hay tập trung dân cư đông đúc tại khu vực nội thành. Thay vào đó, các nước này chuyển dịch ra vùng ngoại ô để giảm gánh nặng, áp lực cho khu vực trung tâm. Hơn nữa, khi xây nhà có chiều cao từ 40-70 tầng trong khu vực nội đô phải kết hợp với giao thông cực kỳ tương thích.

Ông Đức đánh giá, quy hoạch của Hà Nội thời gian qua chưa tốt, bộc lộ nhiều mặt hạn chế không thể khắc phục được. Chẳng hạn như: đường nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng xuống cấp, đi lại trong khu vực nội đô gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, khi giải tỏa các nhà máy, xí nghiệp thì ngay lập tức các khu dân cư, trung tâm thương mại cao tầng được xây dựng nhanh chóng, gia tăng thêm áp lực về dân số.

Xin Hà Nội hãy lắng nghe…

Theo KTS Ngô  Doãn Đức, ga Hà Nội lâu nay là khu vực có vị trí đắc địa, là khu đất “vàng”, đất “kim cương” nhiều doanh nghiệp nhòm ngó và tìm đủ mọi quan hệ để hợp lý hóa đúng quy trình để sử dụng.

Hơn hết, ga Hà Nội là một phần của lịch sử, của người Hà Nội.

Do đó với quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội, KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, cần phải rà soát lại một cách cụ thể xem có ảnh hưởng gì đến quy hoạch chung của thành phố hay không. Ở đây cần phát triển Hà Nội một cách bền vững, lâu dài chứ không thể quy hoạch mang tính bộc phát, tức thời.

“Với dự án tại ga Hà Nội, tôi đề nghị thành phố hãy lắng nghe các nhà khoa học, nhà chuyên môn. Đồng thời phải có hội đồng để kiểm chứng và đánh giá hết sức công tâm. Tuy nhiên việc này người dân cũng cần giám sát. Chúng ta đừng quá tin vào việc đúng quy trình như nhiều người tuyên bố vì việc này có thể hoàn toàn bị làm sai”, ông Đức nêu quan điểm.

Các chuyên gia, người dân mong muốn người đứng đầu TP. Hà Nội lắng nghe, có cái nhìn đúng đắn, thẳng thắn bác bỏ những đề xuất không vì Hà Nội. Không thể cứ là người “đẻ” ra quy hoạch rồi lại “ngồi xổm” lên quy hoạch của chính mình./.