Đề xuất của lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội về việc di dời ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến thì đồng tình với đề xuất nhưng cũng có ý kiến cho rằng nó sẽ làm thay đổi quy hoạch giao thông Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt.

Hà Nội có khoảng 10 km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm với rất nhiều đường ngang giao cắt. Tình trạng này gây ra xung đột các luồng giao thông và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông trên đường sắt. Đề xuất “di dời nhà ga Hà Nội và tuyến đường sắt liên tỉnh ra khỏi khu vực nội thành” được Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhắc lại, đây là một giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm thành phố và giảm tai nạn đường sắt.

vov_21_08_ga_ha_noi_lsrl.jpg
Ga Hà Nội
Theo ghi nhận của phóng viên VOV không ít người dân tỏ ra đồng tình với đề xuất này. Anh Nguyễn Văn Dũng nhà ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) nói: “Theo tôi việc di chuyển nhà ga ra khỏi trung tâm vị trí khác là hợp lý sẽ làm giảm bớt ách tắc giao thông như bây giờ. Tuy nhiên, việc di chuyển ga ra nơi khác thì phải để ý vấn đề hành khách đi xuống phải có phương tiện trung chuyển đi đến các nơi khác trong Hà Nội thuận tiện.”

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn về việc di dời ga Hà Nội, liệu việc di dời ga Hà Nội sau đó diện tích đất ở đó có được sử dụng ra sao? Sau khi đưa nhà ga ra khỏi trung tâm mà thay bằng các dự án nhà cao tầng thì mục tiêu giảm ùn tắc giao thông có giảm được không?

Ông Đinh Đức Linh một người dân ở quân Hai Bà Trưng (Hà Nội) nói: “Nếu di dời ga Hà Nội thì phải tính toán để làm sao công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa không bị sử dụng sai mục đích làm tăng mật độ giao thông và dân cư ở khu vực này tránh tình trạng tắc đường sẽ xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.”

Đồng quan điểm với một số người dân, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tán thành chủ trương di rời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm, tuy nhiên, cần minh mạch trong vấn đề sử dụng đất.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam 
Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm nói: "Việc di dời ga Hà Nội không nên dừng trên những nguyên tắc mà nên rất cụ thể, chuyển đi thì ga Ngọc Hồi phải được phát triển rộng rãi thì mới thay được ga Hà Nội và ga Gia Lâm cũng vậy, phải có kế hoạch xây dựng ga mới. Thứ hai, phải có hệ thống giao thông kết nối các nhà ga này, chẳng hạn như xe buýt, đường sắt trên cao… bao giờ xong, như thế nào. Thứ ba, khi di chuyển ga Hà Nội xong phải có dự án mới thay thế vào đấy làm cái gì? Đừng nói là đưa vào đây những trường học mà phải là trường học gì, công viên thế nào và có kế hoạch, có người điều hành. Nếu cứ buông lỏng việc này không minh bạch thì sinh ra việc lợi dụng, lợi ích nhóm, hoặc sự tự phát rất không hay?".

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, cần thận trọng trong quyết định di dời ga Hà Nội. Các nước phát triển đều có hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc nằm trong nội đô; qua đó tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại. Một số nước quy hoạch đường sắt nằm ngoài vành đai và kết nối vào nội thành.

Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030, xác định ga Hà Nội là ga trung tâm, đầu mối trung chuyển hành khách cho tuyến đường sắt nội đô và đường sắt liên tỉnh. Hiện các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội là tuyến số một (Yên Viên - Ngọc Hồi), số ba (Nhổn - ga Hà Nội) đã được xác định hướng tuyến đi qua ga Hà Nội, và đều thiết kế đi ngầm hoặc trên cao để giảm xung đột giao thông; chỉ có tuyến đường sắt liên tỉnh hiện đi đồng mức với các phương tiện./.