Năm hết, Tết đến cũng là khoảng quãng thời gian mà người dân đặc biệt quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội. Cần phải khẳng định, việc chăm lo Tết cho mọi người dân, đặc biệt là gia đình chính sách, người có công, người nghèo là những đối tượng luôn được ưu tiên hàng đầu trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền về những nội dung trên.
PV: Thưa Bộ trưởng, đến thời điểm này, theo báo cáo từ các địa phương về việc tặng quà Tết cho các gia đình chính sách đến đâu rồi?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Như thường niên, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, từ Trung ương đến địa phương đều có chương trình, có kế hoạch tổ chức thăm, tặng quà Tết cho đối tượng người có công. Ở Trung ương, Chủ tịch nước đã có Quyết định tặng quà cho đối tượng người có công với 2 mức 400.000 đồng và 200.000 đồng. Quà này đã đến các địa phương và chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai sớm, đúng, đủ, kịp thời cho đối tượng.
Ngoài ra, ở Trung ương, các tổ chức như Hội Chữ thập Đỏ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, doanh nghiệp đã tổ chức rất nhiều đoàn đi thăm và tặng quà Tết cho gia đình người có công. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã có kế hoạch đi thăm các đơn vị cũng như tổ chức, cá nhân người có công. Với cá nhân, tôi đã đi được Đắk Lắk và một huyện miền núi của Bắc Giang thì phải nói rằng: Quà của tổ chức cá nhân đối với người có công tuy không lớn về vật chất nhưng rất ấm áp và tôi nghĩ những việc làm đó là việc làm thiết thực động viên người có công dịp Tết đến, Xuân về.
PV: Con số do Bộ đưa ra vào giữa tháng 1 cho biết có 8 tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ gạo và có nhu cầu hơn 9.000 tấn, với khoảng 561.000 nhân khẩu thiếu đói trong dịp Tết. Việc này đã được giải quyết ra sao rồi, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đến thời điểm này đã có 12 tỉnh đề nghị và với số lượng gạo là 10.000 tấn. Chúng tôi đã trình Thủ tướng và tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã quyết định đồng ý cho các địa phương triển khai thực hiện. Tôi rất lo việc hỗ trợ gạo cho người khó khăn trong dịp Tết không kịp thời. Chính vì vậy đã yêu cầu, chỉ đạo các đơn vị khi có quyết định phải triển khai ngay để gạo đến kịp với đối tượng, tránh tình trạng có trường hợp không đến kịp, lại để sau Tết thì món quà sẽ không còn ý nghĩa.
PV: Cùng với các chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước, việc huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được các địa phương triển khai như thế nào trong dịp Tết này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho người nghèo năm nào chúng ta cũng làm. Và năm nay theo báo cáo của các địa phương tôi thấy nhiều nơi làm rất tốt. Ví dụ, tôi vào Đắk Lắk vừa rồi thì địa phương nói là trong tổng 3.700 hộ nghèo thì tỉnh đã quyết định trích ngân sách cho các hộ tùy từng mức là 300.000 và 500.000 đồng/hộ. Đến thời điểm này, tổng kinh phí huy động để hỗ trợ cho người nghèo là 224 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 180 tỷ, ngân sách địa phương và huy động các tổ chức xã hội khoảng 20 tỷ đồng. Tôi nghĩ đây là phần có ý nghĩa đối với các hộ nghèo.
Nếu những trường hợp bất khả kháng xảy ra trong dịp Tết thì Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có Quỹ đền ơn đáp nghĩa rồi Quỹ vì người nghèo thuộc Mặt trận. Những trường hợp bất khả kháng lâu nay chủ yếu các địa phương họ chủ động các nguồn để ứng phó những tình huống này, nhằm tạo điều kiện cho người dân chẳng may có những bất trắc xảy ra vào dịp Tết thì vẫn được hưởng Tết vui.
PV: Thưa Bộ trưởng, trên thực tế những năm trước đã xảy ra một số chuyện đáng buồn như hỗ trợ "nhầm" đối tượng, hay như các phương án hỗ trợ đến với bà con nơi này, nơi khác là quá muộn. Vậy những chuyện này sẽ được giám sát như thế nào trong năm nay?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Việc quà Tết của bà con không đến đúng đối tượng, đúng thời gian là khuyết điểm của các cơ quan thực hiện nhiệm vụ này. Và để hạn chế tối đa những khuyết điểm này, chúng tôi đã có chỉ đạo, Bộ đã có một số văn bản trong từng lĩnh vực, đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành về vấn đề giải quyết đôn đốc thực hiện chính sách lương thưởng. Thứ hai là chỉ đạo về tặng quà Tết cho các đối tượng phải đúng, đủ, kịp thời. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng nghĩ rằng, mỗi địa phương các cấp ủy cũng như chính quyền ở đó sẽ có trách nhiệm trong việc tổ chức, triển khai quà Tết đến các đối tượng. Về phía ngành, chúng tôi chủ yếu là đôn đốc, còn quyết định phải là các địa phương
PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mức thưởng Tết năm nay trong các loại hình doanh nghiệp?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Năm nay là một năm còn nhiều khó khăn với các doanh nghiệp, nhưng qua kiểm tra và báo cáo của các địa phương rất mừng là phần đông các doanh nghiệp đều có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Qua báo cáo vừa rồi, trên 80% doanh nghiệp được kiểm tra đều có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Đơn vị thưởng Tết cao nhất cho người lao động là trên 500 triệu đồng và mức thấp nhất là 50.000 đồng cho Tết âm lịch Ất Mùi. Tôi nghĩ trong điều kiện khó khăn như vậy, đây là cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp.
PV: Trong năm qua, có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nợ lương cũng như không có khả năng thưởng Tết cho người lao động. Vậy theo Bộ trưởng, cần có những giải pháp gì để giúp người lao động có thể yên tâm trong dịp Tết này?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Thực tế còn khoảng 20% doanh nghiệp không có thưởng Tết cho người lao động. Trong đó có một số doanh nghiệp còn nợ lương của người lao động. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chúng tôi đã có mấy giải pháp như sau: Thứ nhất, chúng tôi đề nghị với Chính phủ đối với những doanh nghiệp khó khăn mà chủ đã bỏ trốn hoặc là doanh nghiệp phá sản chưa kịp xử lý tài sản của họ thì ngân sách địa phương tạm ứng để giải quyết tiền lương cho người lao động.
Thứ 2 là thưởng, với những đơn vị đã không có lương, không có thưởng, tại phiên họp Chính phủ vừa rồi, tôi có đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương là trong các phần quà của tổ chức, cá nhân cũng như phần ngân sách để tặng quà, hỗ trợ cho các đối tượng nghèo thì đây cũng là các đối tượng cần phải được quan tâm. Hơn nữa, công đoàn cũng phải chung tay để chăm lo thêm nhằm đảm bảo cho người lao động tại các đơn vị khó khăn này có được cái Tết vui.
PV: Để mọi nhà, mọi người đều có Tết, theo Bộ trưởng mỗi người cần phải thể hiện trách nhiệm như thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi nghĩ rằng, để mọi nhà, mọi người đều có Tết mỗi người dân, những người có điều kiện nên dành một phần để hỗ trợ những người khó khăn ở ngay địa bàn của mình. Tinh thần hàng xóm láng giềng vẫn là thiết thực nhất. Cùng với đó thì các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng phải chủ động hơn trong việc nắm đối tượng để có chính sách, có hỗ trợ kịp thời và đúng đối tượng.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.