Những vấn đề được phân tích, mổ xẻ nhiều nhất là khi người dân đã đóng phí bảo trì đường rồi, cơ quan chức năng cam kết đảm bảo chất lượng như thế nào? Việc sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ và vận hành bộ máy ra sao để đảm bảo minh bạch? Cách thức tổ chức thu phí như thế nào để đảm bảo hợp lý, khoa học, để người dân đỡ phiền hà là những nội dung cần được làm rõ.

ham-hai-van.jpg

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam về nội dung này.

PV:Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, Đề án Quỹ Bảo trì đường bộ vẫn chưa thuyết phục vì chưa giải đáp được câu hỏi lý do thu, đối tượng sử dụng và việc giám sát quỹ này được đặt ra như thế nào. Ông cho biết ý kiến của mình?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Theo phân cấp, ngân sách Trung ương cấp cho công tác bảo trì đường quốc lộ, ngân sách địa phương cấp cho việc bảo trì đường địa phương. Trong nhiều năm qua, ngân sách cấp như thế mới đáp ứng 40% đường quốc lộ, 20% đối với công tác bảo trì đường địa phương. Với mức độ cấp kinh phí như thế, công tác quản lý, bảo trì không được thực hiện theo đúng quy định. Các nội dung về sửa chữa thường xuyên mới chỉ thực hiện được 50% danh mục công việc. Toàn bộ việc sửa chữa định kỳ hầu như chưa thực hiện được, mà mới chỉ thực hiện sửa chữa mang tính đột xuất, tức là hỏng đâu sửa đó. Chính vì thế, việc hình thành Quỹ Bảo trì đường bộ theo hướng có huy động những người sử dụng đường bộ tham gia vào công tác bảo trì là cần thiết.

PV:Một vấn đề đặt ra là đề xuất phương án tài chính cho Quỹ Bảo trì đường bộ còn những bất cập. Chẳng hạn như đối với ô tô, với 3 hình thức thu qua đầu phương tiện, qua xăng dầu, các trạm BOT dẫn đến tình trạng phí chồng phí. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền:Đối với các đối tượng là xe ô tô, theo phương án chúng tôi đề xuất thu phí qua 3 hình thức, qua đầu phương tiện, qua xăng dầu và trạm BOT vẫn được duy trì. Đây là thông lệ chung trên thế giới và phù hợp với chủ trương chung của Nhà nước về huy động các nguồn lực, kêu gọi các nhà đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Việc thu trên đầu phương tiện và qua thuế nhập khẩu xăng dầu, chúng tôi cho rằng, điều quan trọng là tổng số tiền mà người sử dụng đường là ô tô, xe máy phải nộp là bao nhiêu, chứ còn cách phân chia ra thu qua đầu phương tiện hay xăng dầu là cách để xử lý làm sao hài hòa, dễ thực hiện không phát sinh những hệ quả khác.

Mức thu 330 đồng/1 lít dầu diezel là mức rất thấp, chỉ chiếm 1,5% so với giá bán dầu hiện nay. Do vậy, với các đối tượng không sử dụng đường bộ phải chịu mức phí này, tác động cũng rất nhỏ.

PV:Khi người dân phải trả thêm khoản phí này, liệu chất lượng đường bộ Việt Nam có tương xứng? Những cam kết và trách nhiệm từ phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quyền:Về phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chúng tôi cam kết với sự ra đời của Quỹ Bảo trì đường bộ và nguồn kinh phí cấp cho công tác bảo trì đường bộ đúng theo quy định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT sẽ thực hiện đúng quy định của công tác bảo trì đường bộ, đảm bảo đường xá tốt, không có ổ gà, biển báo, vạch kẻ đường… đáp ứng yêu cầu tổ chức giao thông mạch lạc. Thực hiện tốt công tác sửa chữa định kỳ để bảo vệ tài sản lớn của Quốc gia.

PV:Thưa ông, việc thu và quản lý sử dụng Quỹ này cũng là nội dung mà người dân đặc biệt quan tâm. Vậy cách thức thu, quản lý sử dụng như thế nào để đảm bảo minh bạch, hiệu quả và có cơ chế cho mọi người có thể giám sát?

Ông Nguyễn Văn Quyền:Đề án đề xuất thành lập Hội đồng của Quỹ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, do Bộ trưởng Bộ GTVT là Chủ tịch Hội đồng. Có 2 Phó Chủ tịch hội đồng là Thứ trưởng bộ Giao thông và Bộ Tài chính; ngoài ra còn có các cán bộ là lãnh đạo cấp vụ của Bộ Giao thông và Bộ Tài chính; Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam là thành viên, đại diện của VCCI là thành viên. Hội đồng hoạt động theo quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đảm bảo việc tổ chức thu phí, quản lý sử dụng phí theo đúng quy định, đúng mục đích.

Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo pháp luật về ngân sách quy định cũng sẽ được tiến hành thường xuyên. Theo Đề án chúng tôi đề xuất, trong những năm đầu tiên, số tiền huy động được của các đối tượng sử dung đường bộ khoảng 10.000 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước vẫn phải cấp trên 2.200 tỷ đồng cho công tác bảo trì đường bộ thì mới đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, với mức độ tăng trưởng phương tiện như tình hình hiện nay, sau 2- 5 năm nữa, Ngân sách nhà nước sẽ không phải cấp cho công tác bảo trì đường bộ, mà sẽ được đáp ứng từ các đối tượng sử dụng đường bộ.

Xin cảm ơn ông!./.