Nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về cuồn cuộn cộng với triều cường làm cho mực nước các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long lên rất nhanh. Công tác phòng chống lũ lụt cũng được thực hiện quyết liệt với quyết tâm bảo vệ bằng được diện tích lúa vụ ba, khoảng 200.000 ha rau màu ở 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp.

Tại An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Đình Thạnh khẳng định: Nếu lũ vượt báo động ba, địa phương sẽ công bố tình trạng lũ lụt khẩn cấp để tập trung quyết liệt các giải pháp nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân.

Trong 2 ngày qua, nước bên ngoài đê Tha La, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang tăng lên rất nhanh, gây áp lực lớn với hàng nghìn ha lúa thu đông của người dân. Hiện mực nước ở khu vực này lên đến 3,85m, trung bình mỗi ngày tăng bình quân 10cm. Tình hình rất căng thẳng khi dự báo vài ngày tới mực nước có thể lên 4,15m.

Lo ngại nhất hiện nay là tình trạng sạt lở đê do nước lũ dâng cao và sóng đánh mạnh, liên tục vỗ vào chân đê. Lực lượng quân đội cùng đoàn thể các phường, xã tiếp ứng thường xuyên khoảng 200 người. Riêng lực lượng trực tiếp bảo vệ đê có khi lên đến 400 người.

lu-som.jpg

Lũ ĐBSCL năm nay về sớm và cao hơn bình thường

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, địa phương sẽ tiếp tục phát huy mọi nguồn lực hiện có để phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”; xem công tác phòng, chống lụt bão là trọng tâm với ý thức chủ động để bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân.

Trong tình hình cấp bách như hiện nay, tỉnh An Giang đang gấp rút gia cố khoảng 70 km đê xung yếu, 300km đê yếu trong tổng chiều dài đê bao chống và kiểm soát lũ là gần 4.000 km trên 600 tiểu vùng.

Ông Đỗ Vũ Hùng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang khẳng định: Chúng tôi thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân, nhất là những điểm sạt lở. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác di dời dân điểm nguy hiểm đến nơi an toàn để tránh lũ lớn, sạt lở nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân.

Tại Đồng Tháp, đến sáng 26/9, các tuyến đê bao ở xã Thường Thới Tiền, Thường Phước một (huyện Hồng Ngự), phường An Lạc (thị xã Hồng Ngự), xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng) tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng vì bị lún, nứt, sạt lở. Nhiều nơi mực nước lũ tiến sát mặt đê. 5.000 ha lúa thu đông trong các tuyến đê bao này đang bị đe dọa, trong số này, nghiêm trọng nhất là 2.600 ha lúa thu đông tại xã Thường Thới Tiền.

Toàn tuyến đê Thường Thới Tiền hơn 10km có nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng. Thị xã Hồng Ngự có hơn 1.300 học sinh phải nghỉ học do lũ. Nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn đến các điểm trường ngập sâu trong lũ, có nơi bị ngập đến 1 mét, vì thế số học sinh nghỉ học sẽ còn tăng thêm.

Song song với công tác bảo vệ đê bao với hàng nghìn ha lúa chưa thu hoạch, tình hình sạt lở và khắc phục hậu quả này vẫn còn là một khó khăn mà tỉnh Đồng Tháp đang gồng mình thực hiện. Sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp, vì đang vào cao điểm của mùa lũ, mực nước sông Tiền, sông Hậu vẫn “cuồn cuộn” dâng cao.

Người dân vẫn đang rất lo lắng, chính quyền nhiều nơi lúng túng vì ngoài những khu vực sạt lở đã có kế hoạch, thời gian di dời cụ thể, các khu vực còn lại vẫn chưa biết khi nào triển khai và tính mạng của những người dân vẫn bị đe dọa.

Ông Nguyễn Ngọc Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình cho biết thêm, cái khó hiện nay là chương trình cụm tuyến vẫn đang xây dựng, do vậy, đối với các hộ bị ảnh hưởng sạt lở thì di dời tạm vào sân bóng đá của xã, công viên và những nơi khác.

Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, lũ đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng vượt mức báo động 3. Ngoài ra, vùng hạ lưu các sông ở khu vực Nam Bộ sẽ xuất hiện triều cường mức cao.

Nhận định của ngành chức năng tỉnh An Giang, Đồng Tháp cho hay, tình hình mưa lũ sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Chính vì thế điều cấp thiết hiện nay là các địa phương phải tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống để bảo vệ người và tài sản cũng như sẵn sàng ứng phó với những diễn biến xấu có thể xảy ra./.