Đội ngũ của Đài cần có kiến thức và trình độ tiên tiến để thực hiện những trọng trách ngày càng lớn và sự phát triển của Đài... - GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN bày tỏ sự kỳ vọng.

Cũng như những “công dân” khác của nhà Đài cứ mùa thu mỗi năm vào dịp kỉ niệm ngày thành lập Đài lòng tôi lại bồi hồi xúc động và rất đõi tự hào. Đài đã có bề dày 70 năm với bao kỳ tích.
sep_hien_neys.jpg
GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN 

PV:Thưa GS.TS, dù đã rời vị trí “tư lệnh” của Đài TNVN mà ông từng gắn bó trong nhiều năm, nhưng vào những ngày thu đặc biệt có ý nghĩa với Đài năm nay, hẳn trong ông vẫn neo giữ nhiều cảm xúc với Tiếng nói Việt Nam?

GS.TS Vũ Văn Hiền:Cũng như những “công dân” khác của nhà Đài, cứ mùa thu mỗi năm, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đài, lòng tôi lại bồi hồi xúc động và rất đỗi tự hào.

Đài đã có bề dày 70 năm với bao kỳ tích. Trong 70 năm ấy, tôi có 9 năm làm việc trực tiếp ở Đài và có 4 năm làm “tư vấn” cho lãnh đạo Đài. Nhìn cơ ngơi của Đài bây giờ khang trang quá, đến mức ông Chủ tịch Đài PT-TH quốc gia Canada khi tới thăm Đài nhân dịp Đại hội Hiệp hội các đài PT-TH các nước sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội, đã nhận xét rằng, ngôi nhà 58 Quán Sứ có thể sánh vai với các trụ sở đẹp nhất của các đài phát thanh quốc tế. Ông ấy xuất thân là một tổng công trình sư xây dựng.

Với sự cố gắng hết mình của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ của Đài trong 5 - 6 năm trời, công trình Nhà 58 Quán Sứ đã được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vô cùng xúc động, khi khánh thành công trình xây dựng, chúng tôi trịnh trọng đặt tên cho tòa nhà: 58 Quán Sứ - Một địa danh, một công trình.

PV: Nhớ lại thời điểm ông nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc Đài TNVN, khi ấy chúng tôi nhận thấy, hàng loạt vấn đề mà đội ngũ lãnh đạo phải “xắn tay” xử lý và chỉ đạo triển khai. Với ông, việc gì nổi bật và để lại nhiều dấu ấn nhất?

GS.TS Vũ Văn Hiền:Tôi được điều động về công tác tại Đài từ 1/6/2002. Khi ấy Đài còn nhiều khó khăn. Tôi nhớ, ngày 21/6 năm đó, các loại quỹ của Đài không còn đồng nào nên trong một hội nghị giao ban, tôi thay mặt lãnh đạo Đài xin lỗi tất cả anh chị em toàn Đài là không có gì để chi cho ngày hội báo chí.

Tôi cùng các anh Lê Đình Đạo, Đào Duy Hứa, Trần Minh Hùng đi tới hầu hết các đơn vị của Đài ở Hà Nội để hiểu thêm tình hình và công việc cụ thể. Đến Đoàn Ca nhạc, nhạc sĩ Cao Việt Bách nói: “Đoàn Ca nhạc sắp xã hội hóa rồi, các ông lãnh đạo Đài thử nhìn xem các cô ca sĩ có khác gì người bán ốc ở chợ không. Đã thế, tất cả các nhạc cụ của đội nhạc dân tộc đã hỏng hết”. Ngay tại buổi gặp đó, anh em chúng tôi quyết định không những không xã hội hóa Đoàn Ca nhạc mà phải phát triển thêm. Đồng thời cấp ngay 1 tỷ tiền ngân sách để mua đầy đủ nhạc cụ cho Đoàn.

Từ thực trạng như trên, việc đầu tiên tôi cùng Ban lãnh đạo Đài quyết tâm làm là nâng cao chất lượng các chương trình của Đài, tận dụng thế mạnh của Đài để tăng các hoạt động dịch vụ, quảng cáo, chăm lo đời sống anh em. Kết quả rất khả quan, Tết năm 2002, toàn thể cán bộ không chỉ được nhận 3 lương hằng tháng mà còn được truy lĩnh từ tháng 1.

Ngày 26 tháng Chạp, tôi đứng trên tầng 2 của nhà 58 Quán Sứ, nhìn xuống sân, thấy anh chị em nhận tiền tíu tít, rất vui vẻ, tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra.

Việc cơ cấu lại tổ chức của Đài và chuyển từ các ban biên tập thành các hệ phát thanh theo hướng chuyên sâu, hiện đại, là một kỳ công của tập thể lãnh đạo Đài, lãnh đạo các ban và đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Qua rất nhiều cuộc bàn bạc, trao đổi, rồi soạn thảo quy chế quy định, bồi dưỡng năng lực chuyên môn và thực hành trong thực tế, đội ngũ cán bộ của Đài đã sẵn sàng đi vào công cuộc đổi mới một cách căn bản mô hình tổ chức.

Ngày 29/11/2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển của Đài và đồng ý đề nghị của Đài chuyển từ các Ban biên tập sang Hệ phát thanh.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng, Ban cán sự Đảng của Đài đã cùng tập thể lãnh đạo của các ban biên tập và các anh chị em phóng viên, kỹ thuật viên thí điểm xây dựng và thực hành từng bước vững chắc để tới 1/4/2008, Đài chính thức thành lập 5 hệ phát thanh. Đây là một sự kiện to lớn bởi liên quan đến công việc của gần 700 cán bộ, phóng viên, nhân viên.

Cùng với việc đổi mới căn bản và toàn diện mô hình tổ chức bộ máy và sản xuất chương trình, việc tăng cường phủ sóng phát thanh trong nước cũng thật đáng nhớ.

Tôi cùng anh Đoàn Việt Trung, Đào Duy Hứa và một số anh em khác đã tới nhiều đỉnh núi cao ở miền Trung và vùng Tây Bắc để nghiên cứu đặt các trạm phát sóng FM. Có nhiều nơi phải nhờ người địa phương phát rừng mở lối đi. Cuối cùng thì gần chục trạm phát sóng của Đài đã ra đời, đưa tiếng nói Việt Nam đến tận vùng sâu vùng xa của đất nước với điều kiện tốt nhất cho đồng bào, chiến sĩ.

Cũng thời gian này, quan hệ đối ngoại của Đài đã mở rộng và nâng lên một bước. Ngoài những quan hệ truyền thống với Đài phát thanh quốc gia Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nga, Đài TNVN đã tăng cường hợp tác với gần như tất cả các đài phát thanh quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, các nước thuộc Liên Xô cũ, các nước Đông Âu và một số nước Tây Âu, Nam Mỹ. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Đài cũng lập thêm các cơ quan thường trú ở Nhật Bản, Lào, Campuchia, Mỹ.

PV:Ngay cả việc ra đời kênh Phát thanh có hình (nay là Truyền hình VOV) ở thời điểm đó cũng gây xôn xao dư luận, đặc biệt giới báo chí - truyền thông, với nhiều luồng quan điểm; Rồi sự xuất hiện và thành công của VOV Giao thông - cũng là những dấu mốc khó quên, thưa ông?

GS.TS Vũ Văn Hiền:Việc ra đời kênh Phát thanh có hình (VOVTV) cũng là một câu chuyện rất lý thú. Qua những chuyến đi công tác nước ngoài, anh em chúng tôi thấy ở Malaysia và ở Bỉ có kênh hình trong đài phát thanh, tất nhiên là vẫn còn ở mức thử nghiệm và thời lượng vài giờ một ngày. Chúng tôi bàn bạc và đi đến quyết định xin Thủ tướng lập ra kênh truyền hình của Đài.

Qua rất nhiều cuộc họp, trao đổi và “lý sự” với các bộ, ban, ngành Trung ương, nhiều khi không kém phần bùng nổ, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp thống nhất ý kiến để trình Thủ tướng. Tôi nêu ý định là lập kênh phát thanh nhưng có hình để đồng bào đang xem truyền hình có thể chuyển sóng “xem” phát thanh trên tivi nên rất thuận tiện. Còn câu hỏi phát thanh sao lại làm được truyền hình thì Đài ta có một thực tế: Chính Đài phát thanh đã sinh ra truyền hình, bây giờ “đẻ” thêm thì có chuyện gì đâu về mặt kỹ thuật. Cuối cùng Thủ tướng cho phép. Đây là bước đột phá để sau đó Thông tấn xã, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Báo Nhân dân cũng ra kênh truyền hình và Đài TNVN có thêm kênh Truyền hình Quốc hội.

Với VOV Giao thông, những năm trước Đài ta đã có chương trình Giao thông - Thời tiết - Giải trí. Tuy nhiên, VOV Giao thông của Đài sau này có quy mô lớn và công nghệ đi thẳng vào hiện đại. Sáng kiến hay nhất và thành công nhất là phát thanh trực tiếp hoàn toàn, hơn thế nữa là có hệ thống camera bổ trợ. Đây là một mô hình phát thanh giao thông hiện đại mà nhiều đài phát thanh quốc tế thừa nhận và muốn được trao đổi kinh nghiệm.

PV:Có còn điều gì khiến ông phải day dứt bởi đã ấp ủ mà chưa làm được cho Đài?

GS.TS Vũ Văn Hiền:Điều tôi và nhiều đồng nghiệp trong nghề phát thanh mong muốn làm sao ngành phát thanh có được một học viện. Chúng ta đã có 2 trường cao đẳng phát thanh với đội ngũ giảng viên cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật ngày một tăng cường.

Tôi cứ nghĩ ngay cả FPT, rồi vừa qua đến Hoàng Anh Gia Lai cũng có học viện mà Đài chúng ta, ngành chúng ta chưa có được. Tôi rất mong muốn sắp tới Ban lãnh đạo Đài tiếp tục thực hiện những mong ước thiết tha này.

PV:Hiện ở cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhưng chúng tôi biết, ông vẫn dõi theo và dành nhiều tình cảm cho Đài. Ông có gợi ý gì cho sự phát triển của VOV?

GS.TS Vũ Văn Hiền:Đài TNVN hiện nay là cơ quan báo chí duy nhất của nước ta (và có lẽ ở cả quốc tế) có đủ 4 loại hình báo chí. Gọi là “Tổ hợp truyền thông” cũng được nhưng có lẽ chưa bao quát hết.

Đài chúng ta còn có cả 2 trường, một tổng công ty và có toàn bộ cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng, phát thanh - truyền hình. Vậy nên, Đài TNVN có thể hướng tới thành một Tập đoàn truyền thông quốc gia vững mạnh.

Từ thực tế này, tôi thiết nghĩ đội ngũ cán bộ của Đài cần phải là những cán bộ quản lý, phóng viên, kỹ thuật viên của một cơ quan truyền thông hiện đại; cần có kiến thức và trình độ tiên tiến để thực hiện những trọng trách ngày càng to lớn được Đảng, Nhà nước giao phó và sự phát triển của Đài đòi hỏi.

PV:Trân trọng cảm ơn Giáo sư!./.