Trong 3 ngày diễn ra Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIII (LHPT), gần 700 đại biểu đến từ các tỉnh thành trong cả nước đã tề tựu tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An) để tham dự vòng chung khảo.

Trong đó, vào tối 3/5, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Hội đồng Chung khảo đã đánh hồi trống khai mạc Liên hoan.

pt23_pvox.jpg
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo đã đánh hồi trống khai mạc Liên hoan.

Trong khuôn khổ của LHPT, 3 hội thảo đã được tổ chức thu hút sự quan tâm của rất nhiều các đại biểu, gồm Hội thảo Phát thanh trong môi trường truyền thông nhiều thay đổi, nhằm tìm ra những cách làm mới sinh động, hấp dẫn thính giả nghe đài, trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông như hiện nay…

Hội thảo Phát thanh truyền hình trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghệ 4.0..., đưa ra nhiều giải pháp giúp cho biên tập viên, phát thanh viên thu thập thông tin, xử lý thông tin, chuyển hóa dữ liệu một cách nhanh nhất.

Hội thảo Phát thanh trong kỷ nguyên số - cơ hội và thách thức, phát triển loại hình phát thanh online, đưa phát thanh đến gần hơn với công chúng thông qua mạng xã hội và các ứng dụng của smartphone…

Các Hội thảo chuyên đề tại Liên hoan Phát thanh lần thứ XIII.

Ngoài ra, triển lãm thiết bị công nghệ phát thanh truyền hình cũng mang đến rất nhiều ấn tượng cho các đại biểu tham dự liên hoan.          

Đa số các đại biểu về dự LHPT cho rằng, LHPT năm nay đã có sự đổi mới mạnh mẽ, về tất cả các trang thiết bị, công nghệ mới. Chính sự mới mẻ đó đã mang lại cho những người làm chuyên môn trong công tác phát thanh – truyền hình làm được các chương trình, ứng dụng công nghệ tốt hơn.

Một tiết mục dự thi tại Liên hoan Phát thanh.

Về công tác tổ chức năm nay cũng được đánh giá cao tính chuyên nghiệp, sáng tạo của Ban tổ chức LHPT. Nhiều người ấn tượng với phần thi phát thanh trực tiếp. Phần thi này đã giúp các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên phát thanh có sự cọ sát, trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

Ông Hồ Vạn Tấn, Đài PT-TH Điện Biên cho biết, trước đây, công nghệ chưa phát triển, việc sản xuất, lưu trữ các chương trình phát thanh tiếng dân tộc là rất khó khăn. Từ khi áp dụng đổi mới kỹ thuật trong sản xuất các chương trình phát thanh tiếng dân tộc thì việc làm này đã mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc lưu trữ và bảo quản.

“Qua LHPT lần này, chúng tôi đã học thêm được nhiều kinh nghiệm bổ ích, việc này đồng nghĩa chúng tôi sẽ có nhiều việc phải rút kinh nghiệm, để nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh trong thời gian tới”, ông Vạn cho hay.

Một trong những hoạt động được đón chờ nhất của Liên hoan là phần thi Chung khảo với 216 tác phẩm tham dự liên hoan của 5 thể loại: chương trình trực tiếp; phóng sự; chương trình tổng hợp; chương trình tiếng dân tộc; câu chuyện truyền thanh.

Tiết mục văn nghệ trong đêm Khai mạc Liên hoan Phát thanh.

Hội đồng Chung khảo đã làm việc công tâm, lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất ở mỗi thể loại để vinh danh tại lễ bế mạc và trao giải.

Đặc biệt, lần đầu tiên, BTC sẽ trao Giải Dàn dựng chương trình để tôn vinh những kỹ sư âm thanh, kỹ thuật viên – những người thầm lặng góp phần làm nên những tác phẩm phát thanh chất lượng cao.    

Nhà báo Nguyễn Tiến Long, Trưởng Ban Đối ngoại VOV5, giám khảo Hội đồng thi phát thanh trực tiếp cho biết, chất lượng các tác phẩm dự LHPT năm nay khá đồng đều, khó có thể phân biệt được đâu là sản phẩn của đài Trung ương với đài địa phương. Điều đó nói lên, những tác phẩm dự LHPT đã có sự đầu tư bài bản, công phu, chuyên nghiệp, tốt hơn rất nhiều.

“Trong mấy ngày qua, Ban giám khảo chúng tôi mỗi ngày phải ngồi 8-9 tiếng để nghe và nhận xét, và cuối cùng để chấm, chọn ra các tác phẩm mà thật sự xứng đáng để được giải cao. Chất lượng các tác phẩn dự thi kỳ này rất tốt, đầu tư kỹ lưỡng từ công sức, kỹ thuật và rất chuyên nghiệp”, ông Nguyễn Tiến Long cho biết.

Các đại biểu về Nghệ An dự liên hoan năm nay còn có dịp đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia Kim Liên, huyện Nam Đàn. Tại đây, Lãnh đạo Đài TNVN cũng đã trao tặng Hệ thống âm thanh và phát sóng cho Khu di tích Kim Liên. Ngoài ra, các đoàn đại biểu cũng đến thắp hương tại đền thờ vua Quang Trung, đến thăm Khu di tích Làng Sen, Làng Chùa – là quê ngoại và quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm quan, thắp hương khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ.

Lãnh đạo VOV tặng bộ thiết bị truyền thanh chuyên dụng cho Ban quản lý Khu di tích Quốc gia Kim Liên.

Đặc biệt, các nghệ sĩ và 2 dàn nhạc dân tộc và bán cổ điển của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam đã dàn dựng công phu và biểu diễn Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Về làng Sen”, hướng đến kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng các đại biểu về tham dự Liên hoan Phát thanh.            

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc VOV, đây là kỳ LHPT thành công và mang nhiều dấu ấn. Liên hoan Phát thanh Toàn quốc là nơi để những người làm phát thanh gặp nhau, đưa những tác phẩm tốt có được trong hai năm qua để dự thi. Các nhà báo xuất sắc có tác phẩm tốt sẽ được trao giải, được vinh danh. Qua Liên hoan, những người làm phát thanh cả nước có được góc nhìn tương đối rõ và bao quát về trình độ chuyên môn của các đơn vị, từ Đài phát thanh quốc gia cho đến các đài địa phương.

Các đại biểu Trung ương, các Bộ, Ngành dự khai mạc Liên hoan Phát thanh tối 3/5.

Mỗi kỳ LHPT cũng là cơ hội để mỗi bản đài, bản thân mỗi phóng viên đưa ra những sản phẩm phát thanh có nội dung tốt, hình thức thể hiện có tính đột phá.      

“Chúng tôi nghĩ rằng đây là một kỳ LHPT để lại nhiều dấu ấn tốt trong lòng những người tham gia Liên hoan. Đồng thời, từ Liên hoan Phát thanh này, các Liên hoan Phát thanh tiếp theo những người làm báo phát thanh phải thấy rằng mình luôn luôn đổi mới, nâng cao tay nghề, trình độ nghiệp vụ để theo kịp chuyên môn và theo kịp sự phát triển của báo chí trong khu vực và thế giới”, ông Nguyễn Thế Kỷ nhìn nhận.

Theo Tổng Giám đốc VOV, sau mỗi kỳ Liên hoan, những đơn vị, những nhà báo khá, giỏi rồi thì cố gắng phấn đấu hơn nữa; những đơn vị và những nhà báo còn hạn chế, yếu kém sẽ nhìn lại mình kỹ hơn, nghiêm khắc hơn để sửa đổi, sáng tạo, vươn lên.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các loại hình báo chí thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Hai năm giữa 2 kỳ LHPT là một quãng thời gian đủ để những người làm nghề nhận dạng được khuynh hướng phát triển, định vị được mình đang đứng ở đâu và có kế hoạch tự cập nhật mình để không tụt hậu. Và không chỉ nghĩ đến việc làm sao để không tụt hậu, mà còn phải có chiến lược để bản thân mình phát triển, sáng tạo, dẫn dắt. 

Ngày hội lần thứ XIII của những người làm báo phát thanh trên cả nước đã diễn ra sôi nổi và thành công tốt đẹp. Đây không chỉ là dịp tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc mà còn là dịp những người làm báo phát thanh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nhằm tìm ra những hướng phát triển mới để Phát thanh đồng hành cùng đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.