Kristine Pearson, làm việc cho tổ chức Lifeline Energy chia sẻ suy nghĩ về tầm quan trọng của phát thanh cộng đồng và nhóm thính giả nhân ngày Phát thanh Thế giới 13/2/2017.

lifeplayer_0_oaad.jpg
nguồn: www.diamundialradio.org/news
Một bà mẹ có 5 con có tên là Amina, người thuộc bộ tộc Tuareg đã chia sẻ với tôi rằng phát thanh địa phương đã tạo nên chuyển biến tích cực cho cộng đồng nơi bà ấy sinh sống ở khu vực Tahoua, Nigeria. Bà ấy nói: “Khi chồng tôi để lạc mất con lạc đà, đáng lẽ gia đình tôi phải dừng hết các công việc đang làm để đi tìm nó. Thậm chí con trai cả của chúng tôi có thể phải nghỉ học để đi tìm. Nhưng chồng tôi đã đến trạm phát thanh, trả một khoản tiền nho nhỏ để nhờ phát thông báo tìm kiếm. Thế rồi sau đó chúng tôi đã tìm lại được con lạc đà”.

Tôi đã nghe hàng trăm câu chuyện ý nghĩa về việc tại sao phát thanh vẫn duy trì được vị thế là phương tiện truyền thông quan trọng và thực dụng nhất ở các nước châu Phi. Nhân ngày Phát thanh Thế giới với chủ đề “Phát thanh là chính bạn” (Radio is YOU), tôi sẽ nêu ra 6 nguyên nhân dưới đây để giải thích cho việc tại sao phát thanh cộng đồng vẫn là phương tiện truyền thông đại chúng và cá nhân quan trọng trong xã hội.

1. Phát thanh cộng đồng giúp mọi người nắm bắt được các sự kiện đang diễn ra không những ở thành thị mà ở những vùng nông thôn.

2. Người dân muốn nghe tin tức, muốn gọi điện thoại đến phòng thu, muốn nghe chương trình sức khoẻ, nghe những bản tin về nông nghiệp hoặc thể thao bằng ngôn ngữ của chính họ. Những học sinh cấp 2 ở Schoemansdal, gần Swziland ở Nam Phi chia sẻ với tôi về việc họ nghe tin buồn được phát trên đài phát thanh. Vùng này có tới 25% số người bị nhiễm HIV/AIDS.

3. Phát thanh cộng đồng góp phần xây dựng, nâng cao tính cộng đồng, mang lại tiếng nói, quyền bày tỏ ý kiến, quan điểm cho thính giả, người dân. Trong những trại tị nạn Dadaab ở Kenya, những nhóm thính giả nữ yêu cầu đài phát thanh địa phương tăng cường phát những cuộc tranh luận về những chủ đề nóng ở Somalia như bạo hành phụ nữ, kết hôn sớm và nữ quyền.

4. Mọi người đều có thể tham gia vào các chương trình phát thanh. Thính giả là những người tham gia tích cực vào mạng lưới thông tin của riêng họ. Những người dân địa phương đều có thể trở thành thành viên, lãnh đạo quản lý, kỹ thuật viên hoặc thậm chí phóng viên của một đài truyền thanh. Ở nam Zambia, một chuyên gia về nông lâm có tên là Bornface đã sản xuất những chương trình phát thanh dành riêng cho nông dân, thông tin cho họ về thuốc trừ sâu, luân canh, kế hoạch trồng cây và biến đổi khí hậu...; những nhân tố có thể ảnh hưởng đến công việc đồng áng của họ.

5. Phát thanh cộng đồng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thương nhân địa phương có thể quảng cáo cho những sản phẩm của họ. (Các đảng phái chính trị không được phép quảng cáo trên làn sóng phát thanh cộng đồng). Ví dụ ở Sengerema, Tanzania, Ezekiel, một người làm đồ nội thất nhìn thấy những mẫu trên trang web của IKEA ở một quán café Internet gần đó. Anh ấy nói với tôi cách bắt chước những mẫu thiết kế hiện đại đó rồi quảng cáo trên đài phát thanh, bằng cách ấy anh đã tăng lợi nhuận lên gấp đôi và đã thuê thêm hai người thợ mộc.

6. Phát thanh cộng đồng giúp bảo tồn và giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống địa phương. Ví dụ ở vùng nông thôn Kwa-Zulu Natal thuộc Nam Phi, một đài phát thanh cộng đồng đã phát chương trình có tên là “Tiếng nói của tổ tiên”. Trong chương trình, những bậc cao niên, ông bà kể những câu chuyện về tổ tiên Zulu của họ và truyền đạt những phong tục, tập quán của họ cho con cháu đời sau.

“Phát thanh chính là bạn” là làm thế nào để các đài phát thanh trở nên gần gũi với thính giả. Dù cho có sự xuất hiện của những thiết bị hiện đại như máy tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh, phát thanh cộng đồng vẫn tồn tại, phát triển và trở nên gần gũi đối với người dân châu Phi hơn bất cứ thứ công nghệ hiện đại nào.

Chào mừng ngày Phát thanh thế giới 13 tháng 2!