Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII diễn ra trong hai ngày 20-21/11 với chủ đề “Trí tuệ- kỷ cương - hội nhập - phát triển” là sự kiện quan trọng của hàng triệu tăng ni phật tử trong và ngoài nước.

vov_21_11_khai_mac_dai_hoi_phat_giao_tai_cung_van_hoa_huu_nghi_viet_xo_tgca.jpg
Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII

5 năm qua, Phật giáo cả nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: Hoàn thành việc thành lập tổ chức Giáo hội hoạt động tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; mở mang chùa chiền, chú trọng công tác đào tạo, phát triển các hội phật tử ở trong và ngoài nước, công tác từ thiện- xã hội phát triển rộng khắp với số tiền ước tính hơn 6000 tỷ đồng.

Hiện Phật giáo cả nước có khoảng 54.000 tăng ni và khoảng 18.400 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất.

Với chủ đề “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội VIII thể hiện quyết tâm của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam là Tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật, nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, giữ vững bản lĩnh trong thời kỳ hội nhập nhằm xây dựng Giáo hội phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc, kiên định theo lý tưởng: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội.

Theo Thượng tọa Lý Hùng - Phó Ban trị sự Phật giáo thành phố Cần Thơ, phật giáo đồng hành cùng dân tộc cũng có nghĩa là Phật giáo cũng phải đổi mới, hội nhập cùng dân tộc.

Trong những năm gần đây, Phật giáo không chỉ chăm lo hoạt động phật sự - xã hội trong nước mà còn hướng ra bên ngoài bằng việc 2 lần tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak và tới đây là Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo quốc tế. 

Thượng tọa Lý Hùng cho rằng: “Ngày nay, trong quan hệ đối ngoại, Phật giáo phải chú trọng quan hệ với các nước anh em như: Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Srilanka cũng như một số nước châu Âu khác. Phật giáo các nước phải liên kết với nhau để chúng ta trao đổi tăng ni sinh”.

Trong nhiệm kỳ tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ nêu cao kỷ cương trong quản lý tăng ni, tự viện; Tiếp tục xây dựng tổ chức Giáo hội vững mạnh ở tất cả các địa phương; Chú trọng việc thành lập các Ban Trị sự cấp huyện tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Lấy việc tu tập của tăng ni, phật tử là nhiệm vụ trọng tâm, đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cấp bách hiện nay của các tầng lớp trong xã hội.

Là đại biểu trẻ tham dự Đại hội, đại đức Thích Thanh Nam – trụ trì chùa Đống Cao, thành phố Bắc Ninh rất tâm đắc với mục tiêu này: “Đức Phật đã dạy, Phật pháp có còn hay không là do chư tăng có giữ gìn được giới luật của đức Phật hay không. Cho nên chúng tôi vẫn nhắc nhau phải giữ gìn lời dạy của đức Phật để tự hoàn thiện bản thân và chia sẻ giáo lý đó cho mọi người”.

Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, những thành tựu của Phật giáo 5 năm qua có được chính là do Giáo hội có đường hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp với Đạo pháp, Dân tộc trong xu thế phát triển của xã hội và thời đại.

Phó Thủ tướng tin tưởng nhiệm kỳ tới, toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết cùng các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững. 

Nhân dịp này, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam đã tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Bằng khen cho tập thể, cá nhân GHPGVN đã có những đóng góp tích cực cho các hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ qua./.