Cụ thể, ngày 16/2, thông tin từ website của chính quyền Hong Kong dẫn nguồn Trung tâm Bảo vệ sức khỏe của Sở Y tế Hong Kong về 3 trường hợp nhiễm COVID-19. Trong đó có 1 người đàn ông được cho là từng đến Đà Nẵng du lịch trong thời gian ủ bệnh. Sở Y tế thành phố Đà Nẵng thông tin, người đàn ông này 45 tuổi, sống tại Tsz Wan Shan được xác định là trường hợp nhiễm Covid-19 thứ 59 tại Hong Kong.

cv2_waar.jpg

Hiện tại chỉ có 2 người nghi ngờ nhiễm Covid-19 đang theo dõi tại BV Phổi Đà Nẵng.

Ngày 12/2, bệnh nhân này có các triệu chứng sốt, đau họng nên đi khám và được xác định dương tính với Covid-19, hiện điều trị tại Bệnh viện Queen Elizabeth trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Điều đáng quan tâm là bệnh nhân này được cho là từng đến Đà Nẵng trong các ngày từ 30/1 đến 1/2. Thông tin này dấy lên nhiều suy đoán không tốt trên mạng xã hội. Dù bản tin trên website của chính quyền Hong Kong khá mơ hồ nhưng đã ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng.

Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, ngày 1/2, bệnh nhân này đã rời Đà Nẵng. Đến ngày 12/2, bệnh nhân này mới phát triệu chứng nhiễm Covid-19 tại Hong Kong. Như vậy, người đàn ông này có 11 ngày ở Hong Kong và khả năng bị lây nhiễm tại Hong Kong là rất lớn. Bởi nếu bệnh nhân ủ bệnh trong thời gian lưu trú tại Đà Nẵng thì thời điểm đó chỉ là khoảng 3-4 ngày đầu của giai đoạn ủ bệnh, lúc đó nồng độ virus rất thấp và khó có khả năng lây bệnh cho những người tiếp xúc gần. Thời gian ủ bệnh của Covid-19 là từ 2 đến 14 ngày và thông thường nồng độ của virus corona chủng mới cao nhất để lây là thời điểm 1-2 ngày trước khi khởi bệnh.

Sở Y tế TP Đà Nẵng lập luận, kể từ ngày bệnh nhân này rời khỏi Đà Nẵng đến nay đã quá thời gian 14 ngày nhưng tất cả các ca bệnh nghi ngờ được phát hiện đều có kết quả âm tính với chủng mới của virus corona. Điều này cho thấy việc nhận định bệnh nhân ủ bệnh trong thời gian ở tại Đà Nẵng là không chắc chắn và thiếu cơ sở.

Hiện chỉ có 2 bệnh nhân đang được cách ly theo dõi tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 2 người này đều mới nhập cảnh vào Đà Nẵng. Do vậy, khả năng bệnh nhân người Hong Kong mắc bệnh tại TP Đà Nẵng hoặc lây truyền cho người dân tại thành phố này hầu như không có.

Tăng cường phòng dịch Covid-19 tại các cơ sở lưu trú

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành dịch vụ lưu trú đang gặp rất nhiều khó khăn. Tại thành phố Đà Nẵng, để đảm bảo an toàn cho du khách, hầu hết các khách sạn, cơ sở lưu trú tại thành phố đều đưa ra phương án phòng, chống dịch bệnh. Nhiều cơ sở lưu trú còn đưa ra các chương trình ưu đãi cho du khách đi du lịch trong dịp này.

Các khách sạn ở Đà Nẵng có ưu đãi giảm giá phòng thời điểm này.

Ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh Covid-19, quản lý, nhân viên khách sạn Diamond Sea, thành phố Đà Nẵng đã được trang bị kiến thức về phòng, tránh dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn cho khách lưu trú.

Ông Phạm Minh Châu, Quản lý khách sạn Diamond Sea, thành phố Đà Nẵng cho biết, vẫn có rất nhiều người đi du lịch trong thời điểm này nên ngoài việc phòng chống dịch, khách sạn còn tập trung đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân viên.

“Mỗi ngày, vào buổi tối các khách sạn đều có sử dụng hóa chất cloraminB, pha với liều lượng là 0,5% để đi phun khử trùng, khử khuẩn tại các vị trí như tay nắm cửa ra vào, tay nắm cửa hàng lang, cầu thang bộ, thang máy. Các bạn nhân viên buồng phòng khi lên dọn phòng thì điều đầu tiên là phải mở cửa cho thông thoáng khí. Các khu vực công cộng đều tăng nhiệt độ điều hòa lên một chút”, ông Châu nói.

Để thu hút du khách tới nghỉ dưỡng, các cơ sở kinh doanh lưu trú ở Đà Nẵng vừa trang bị vật phẩm y tế phòng bệnh cho khách vừa có nhiều phương án kích cầu du lịch như giảm giá phòng từ 20 – 50%, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Nguyễn Minh, Tổng thư ký Hội Khách sạn Đà Nẵng cho biết, hiện tại, hầu hết các cơ sở lưu trú trong mùa này đều đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để vượt qua khó khăn và phục vụ tốt cho du khách.

Một số khách sạn tranh thủ nâng cấp, bảo trì cơ sở; trau dồi lại kiến thức, kỹ năng và tác phong phục vụ khách. Hội Khách sạn Đà Nẵng thường xuyên cập nhật những thông tin về kiểm soát dịch bệnh từ cơ quan chức năng để khách hàng an tâm.

“Hội Khách sạn cũng cập nhật những thông tin thường xuyên với các thành viên và các hội viên của mình trong việc lấy thông tin về chỉ số khách hàng, công suất khách hàng; Khai thác thông tin chính thống từ Bộ Y tế để cập nhật, triển khai cho các khách sạn, để chủ động trong việc chia sẻ với nhân viên, để nhân viên hiểu được trong tâm lý phục vụ khách, bảo đảm sức khỏe cho mình.

Chính điều đó đã tạo ra sự an tâm trong nhân viên và sự tin tưởng của các cơ sở kinh doanh lưu trú đối với sự lãnh đạo của chính quyền địa phương trong mùa dịch của năm nay tại Đà Nẵng”, ông Nguyễn Minh cho biết./.