“Gặp nhau cuối năm” có format của một gameshow rất “hot” hiện nay!
Khi tôi ngỏ ý muốn biết kịch bản của “Gặp nhau cuối năm” năm nay, “Táo Giao thông” xua tay: Phải bí mật đến phút chót chứ! Tuy nhiên, anh cũng tiết lộ những thông tin rất thú vị về chương trình được nhiều người chờ đợi nhất mỗi dịp Tết đến, Xuân về này.
NSƯT Chí Trung chia sẻ, “Gặp nhau cuối năm” 2013 vẫn là một kịch bản rất hấp dẫn. Cùng với sự yêu mến và kỳ vọng của khán giả, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng như những người làm chương trình luôn có một áp lực rất lớn để mỗi năm, chương trình phải hay hơn những năm trước. Đội ngũ viết kịch bản đã phải bắt tay vào viết từ 5, 6 tháng trước Tết. Ngay cả đến những ngày giáp Tết, khi nhận vai, “các Táo” cũng mới chỉ được biết đến phần đầu và cuối của kịch bản, còn phần giữa thì vẫn bí mật đến những ngày cuối cùng.
- Điều anh thấy thú vị nhất về “Gặp nhau cuối năm 2013 là gì?”, tôi hỏi NSƯT Chí Trung. - Đó là nó có format của một gameshow đang rất hot hiện nay, còn gameshow gì thì mọi người tự đoán nhé - “Táo Giao thông” cười.
“Táo Giao thông” ... vi hành |
Tuy nhiên, “Táo Giao thông” cũng tiết lộ, “Gặp nhau cuối năm” 2013 tái hiện tình hình đất nước về mọi mặt trong năm qua: Kinh tế thì vẫn uể oải và dậm chân tại chỗ. Song, so với xu hướng chung của thế giới khi nhiều nước đang tụt hậu thì cũng coi như là mình… tiến. “Đấy là cách nói của AQ đấy” - NSƯT Chí Trung dí dỏm.
Về giao thông, cũng có những cái đạt được chứ không chỉ là phê phán. Như tình trạng ách tắc chỉ là cục bộ chứ không phải phổ biến, là “món ăn hằng ngày” của người dân nữa. Việc xây dựng các cầu vượt nhẹ bước đầu đã thành công. Tuy rằng, chương trình vẫn phải tìm ra những cái chưa hoàn hiện, thể hiện nó ở góc độ hài hước để mọi người cười. Và để cả những người được phê bình cũng coi rằng nó là niềm vui và sẽ hoàn thiện tốt trong năm tới.
Nếu vẫn có những người “quyết chết” thì Bộ trưởng hay Táo cũng đành chịu!
Là “Táo Giao thông”, anh đánh giá thế nào về tình hình giao thông nước ta trong năm 2012? - Tôi hỏi.
Bây giờ, phải nhìn nhận lại là tai nạn giao thông do ngẫu nhiên, do đường sá đã giảm, còn tai nạn do lỗi vi phạm vẫn còn nhiều. Tôi gọi đó là “những người quyết chết”. Bởi khi người ta đã cố tình không chấp hành Luật Giao thông thì chịu, không có Bộ trưởng hay “Táo” nào ngăn cản được. Chẳng hạn như thấy đèn đỏ mà cứ vượt, thấy biển cấm vẫn cứ đi… Nhất là với những người lái xe, sau lưng mình là hàng chục tính mạng con người. Hay Bộ trưởng và “Táo Giao thông” cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm về xe cháy, nhưng có những người quyết pha xăng, dầu, vì lợi nhuận mà cố phá hoại giá trị về lòng tự trọng của người làm nghề thì Bộ trưởng hay “Táo” cũng chịu. Hiện nay, chúng ta đang cố gắng hết sức, Bộ trưởng và các “Táo” cùng bắt tay nhau. Nhưng nếu mỗi con người trên đường không tự ý thức thì không “Táo” nào cứu được họ!
Với một số đề xuất về giao thông năm qua như nhập xe tuk tuk, hay xe chính chủ, “Táo Giao thông” bảo: Hãy đợi để cho “Táo Giao thông” báo cáo với Ngọc Hoàng trong “Gặp nhau cuối năm”. Tuy nhiên, NSƯT Chí Trung cũng thẳng thắn bày tỏ những quan điểm của mình. Anh cho rằng, việc nhập xe tuk tuk rõ ràng là một giải pháp không thuyết phục. Đề xuất về xe chính chủ là cần thiết, nhất là với xu hướng của việc quản lý giao thông điện tử, song cần phải có lộ trình và phải thông báo trước cho người dân hiểu để làm theo.
- Nếu có cơ hội đề đạt với “Ngọc Hoàng” một nguyện vọng để bức tranh giao thông năm 2013 tươi sáng hơn, “Táo Giao thông” sẽ nói gì? - Tôi sẽ xin Ngọc Hoàng gắn thêm cho mỗi người tham gia giao thông một… cục ý thức vào người. Để mỗi khi tham gia giao thông là nó sẽ phát tác. Mọi người hãy biết tự thương mình trước đã. Bởi Bộ trưởng hay các Táo có nói gì thì cũng chỉ là lời hứa. Nó trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của mỗi người!
Là Táo quân nên luôn phải chấp hành Luật Giao thông |
NSƯT Chí Trung hồ hởi khoe với tôi, năm 2012, anh còn kiêm thêm một nhiệm vụ mới: Đại sứ thiện chí về Bình đẳng giới của Trung tâm Nghiên cứu - ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA). “Khi nhận được lời mời làm đại sứ thiện chí của CSAGA, thú thực, tôi chưa hiểu lắm về những việc mình phải làm. Tôi lại ghét nhất là làm đại sứ thì cứ phải gồng mình lên. Tôi không thể chỉ đứng bên các bạn phụ nữ và hô hào: Các bạn nam ơi, hãy làm giống tớ đi! Tôi phải làm thế nào để họ tin mình và có thể làm giống mình. Tôi luôn khẳng định mình là một người gia trưởng. Tôi thích vợ ở nhà và chồng đi làm. Nhưng ở thời hiện đại, chúng ta không thể như vậy được. Bởi vì vợ chồng bây giờ đều phải cùng ra đường lúc 8h sáng, cùng gánh vác công việc xã hội. Hai người bạn ở chung phòng thôi cũng không thể 1 người nằm, 1 người quét nhà. Chưa nói đến vợ chồng sống với nhau cả đời mà như vậy thì ai chịu được”.
Không thể quên những cái Tết vất vả ngày xưa!
“Nhìn tôi lúc nào cũng vui tươi hơn hớn thế này, nhưng những kỷ niệm để lại dấu ấn lại thường là buồn. Đó là về những ngày Tết vất vả ngày xưa. 7h tối 30 Tết, tôi vẫn hì hục bê tivi đến nhà người ta để lắp, trong khi ở ngoài, pháo nổ rền trời. Đi đường, vội về cho kịp giao thừa nên ngã xước hết chân tay. Nghe tiếng pháo nổ lúc giao thừa mà nước mắt lặn vào trong. Nghĩ đến cảnh con mình được thêm hộp sữa nên tôi phải cố gắng. Hồi ấy, vợ tôi sinh hai con đều không có sữa, phải nuôi bộ. Về nhà, tôi vẫn cố nén đau, giấu không nói với vợ. Đó là những cái Tết mà có lẽ không bao giờ tôi quên được”./.