Từ trên máy bay, Côn Đảo hiện dần như một dải nhỏ màu xanh thấm giữa ngàn trùng sóng nước. Là nơi minh chứng lịch sử oai hùng về sự đấu tranh ngoan cường và anh dũng hy sinh của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước.

Những bước tường thành rêu phong cổ kính, những dãy nhà tù, xà lim, chuồng cọp lạnh lùng- nơi giam cầm, tù đầy, tra tấn những người yêu nước vẫn còn đây. Qua dòng chảy của thời gian, những tường thành, nhà tù thêm phần cổ kính, nhưng sự tàn ác, hà khắc của chế độ cai tù đối với những chiến sĩ cộng sản và người yêu nước thì vẫn nguyên vẹn, hằn sâu trong tiềm thức những người đến nơi này, dù chưa một ngày biết đến chiến tranh.

Vọng chuông cầu siêu cho những anh hùng liệt sĩ

Trong khuôn viên của nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo có một chiếc chuông đồng lớn, chiều cao 6m, chiều rộng 2,5m, được treo trang nghiêm giữa vọng đền. Chuông làm bằng đồng đỏ, miệng chuông có hoa văn hình sóng.

anh_1_.jpg

Vọng chuông cầu linh hồn siêu thoát ở khuôn viên nghĩa trang Hàng Dương.

Thân chuông có 4 hình tròn tượng trưng cho ánh sáng mặt trời Xuân, Hạ, Thu, Đông. Ở giữa 4 hình tròn mặt trời ấy là 4 bài thơ ở 4 phía Đông, Bắc, Tây, Nam. Phía Đông thân chuông khắc 2 câu đối: “Tiếng chuông đồng mãi mãi vọng tiền nhân, gương Côn Đảo đời đời soi hậu thế”.

Phía Tây thân chuông khắc bài thơ: “Vì nhân dân sống chết không sờn, trước sự nghiệp thương vong xá kể”. Những câu thơ ấy, như một sự ghi nhớ của thế hệ người Côn Đảo đối với sự anh dũng hy sinh của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi này.

Tin liên quan

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đã có hơn 20.000 chiến sĩ cách mạng, người yêu nước, công nhân, tù nhân, nông dân đã đấu tranh đổ máu và nằm xuống tại đây. Trong nghĩa trang Hàng Dương, hàng chục nghìn ngôi mộ thẳng hàng ở các khu a,b,c, là nơi ghi dấu tội ác dã man của thực dân đế quốc.

Tại đây trong suốt 113 năm (kể từ tháng 2 năm 1862 đến tháng 5 năm 1975), kẻ thù đã đưa ra giam giữ, tù đầy, tra tấn hàng vạn người yêu nước và chiến sĩ cộng sản. Nhiều người trong số đó đã chiến đấu anh dũng đến hơi thở cuối cùng.

Dịp 27/7 năm nay, Côn Đảo đón hàng triệu lượt khách đến tham quan du lịch. Sau những nén hương ngọn đèn thắp sáng cho các liệt sĩ, họ lại tụ họp đông đủ tại vọng chuông này để cầu siêu linh hồn cho các chiến sĩ cách mạng. Hành động ấy như một nghĩa cử cao đẹp “uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ người Việt đối với những người đã hy sinh xương máu bảo vệ Tổ quốc, là tiếng chuông tri ân hoà bình, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước của cha anh đi trước.  

 Bia tưởng niệm những người vượt ngục

Cách trung tâm thị trấn Côn Đảo 17 km đường ngoằn ngoèo, một bên là núi cao, một bên là thác ghềnh biển sâu, ngay sát cạnh đường đi Bến Đầm có một tấm bia lớn tưởng niệm 198 tù binh khổ sai, là những chiến sĩ cộng sản của ta đã vượt ngục và hy sinh anh dũng năm 1952.

Đó là tấm bia minh chứng tội ác thực dân Pháp thực hiện chính sách cai tù dã man đối với những người yêu nước. 198 chiến sĩ cách mạng và người yêu nước của ta bị chúng nhốt trong lao tù chuồng cọp. Ban ngày chúng bắt đi lao động khổ sai khuân vác đá trên núi làm đường đi Bến Đầm.

Bia di tích khắc hoạ và ghi nhớ 198 người vượt ngục năm 1952
Đêm 12/12/1952, 198 chiến sĩ cách mạng đã  vượt ngục. Kế hoạch vượt ngục đã được thống nhất bí mật trước đó. Phương tiện vượt ngục là xuồng gỗ đã được các chiến sĩ bí mật làm trước và giấu dưới biển. 

Đúng giờ G, 198 chiến sĩ xuống xuồng bắt đầu cuộc vượt ngục. Giữa đêm tối mịt mùng, vừa phải bí mật tránh sự phát hiện của địch, vừa phải chống chọi với sóng gió. Chèo xuồng được khoảng hơn 3km, thì bất ngờ sóng gió nổi lên, thời tiết vô cùng bất lợi. Những chiếc xuồng gỗ ngâm giấu lâu ngày dưới biển đã bục và vỡ từng mảng. 81 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên biển, 117 chiến sĩ bị địch bắt lại tiếp tục giam cầm trong tù khổ sai.

Cuộc vượt ngục ấy tuy không thành công, song “những tù binh” đã đánh một đòn tấn công vào sào huyệt kẻ thù, làm rung chuyển và rối loạn nền thống trị của chúng, đồng thời đây cũng là đòn thất bại cay đắng trong chính sách trị tù của chúa đảo Jarty.

Dấu tích của cuộc vượt ngục nay còn lại là tấm bia tưởng niệm. Trên ấy khắc hình 198 người lao động khổ sai và ghi nhớ diễn biến cuộc vượt ngục không thành.

57 năm qua, tấm bia đá thêm phần cũ, nhưng nó vẫn có giá trị tươi  mới về tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, là bằng chứng sinh động để giáo dục các thế hệ người Việt và thanh niên cả nước về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước bị tù đầy ở Côn Đảo năm xưa.

 Cầu tàu 914 lịch sử

Năm 1873, để thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ từ đất liền đến Côn Lôn, Pháp đã bắt những tù nhân yêu nước của ta lao động khổ sai xây Cầu Tàu. Chỉ chiều dài dài 107m, Cầu Tàu đã giết chết 914 chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước.

Nơi đây ghi dấu bước chân lưu đầy của hàng chục vạn người khổ sai trên hòn đảo tù này. Họ phải chịu cực hình với tất cả nỗi nhục của những trận đòn dã man của giặc Pháp từ Cầu Tàu về trại giam. Hàng vạn người chỉ một lần đặt chân nơi đây rồi vĩnh viễn nằm lại ở nghĩa trang hàng dương xanh thẳm.

Cầu Tàu 914 và bia ghi nhớ Cầu Tàu nhìn từ “Nhà Chúa”
Dấu ấn lắng sâu nhất đọng lại trong di tích lịch sử này hơn một thế kỷ qua, chính là những phiến đá ngổn ngang - những mảng đá nặng hàng tấn, từng khối khổng lồ đã làm kệt quệ và đè nát bao thân thù khi họ khiêng chúng từ Núi Chúa về đây. Không khiêng thì chết vì đòn roi, khiêng thì chết vì kiệt sức. Cái thời đau thương ấy đến bây giờ vẫn còn âm vang trong từng phiến đá: “Côn Lôn ơi, phiến đá mạng người”.

Cầu Tàu Côn Đảo không chỉ là một đầu mối liên lạc quan trọng giữa tù chính trị Côn Đảo với Đảng Xã Hội, Đảng Cộng sản Pháp và Xứ uỷ Nam Kỳ, giữa Uỷ ban kháng chiến Nam bộ với Thành uỷ Sài Gòn Gia Định, mà còn là nơi rợp bóng cờ đỏ sao vàng những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trên 2000 tù chính trị đã từ Cầu Tàu này trở về đất liền tiếp tục cuộc kháng chiến chống pháp trường kỳ anh dũng. Một số người đã trở thành các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta nhiều năm qua như Trương Mỹ Hoa, Phạm Văn Đồng, Chín Khói, Nguyễn Văn Linh…

Ngày 4/5/1975, trên chuyến tàu đầu tiên ra giải phóng Côn Đảo, 500 ảnh Bác Hồ in lụa chuyển tới Cầu Tàu 914 và đã được những người tù trang trọng ra đón rước về từng nhà giam. Và chỉ ít ngày sau đó, từng đoàn chiến sĩ cách mạng lần lượt bước xuống Cầu Tàu trở về đất liền, chấm dứt vĩnh viễn hơn một thế kỷ ở “địa ngục trần gian” đau khổ này./.