Bệnh nhân Đ.T.M (23 tuổi) đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám trong tình trạng sưng nề, đỏ, đau, có dịch chảy và có dấu hiệu hoại tử nhiều vùng mũi do tiêm chất làm đầy (filler) ở mũi. Ngay sau đó bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị.

Qua tìm hiểu, được biết trước đó 5 ngày, bệnh nhân có tiêm chất làm đầy tại một cơ sở làm đẹp ở quận Đống Đa. Sau tiêm 1 ngày, bệnh nhân thấy mũi đỏ, đau, tiết dịch ở da.

Bệnh nhân quay lại cơ sở này thì được tiêm Hyalurolidase để giải filler. Sau mũi tiêm này, mũi bệnh nhân giảm màu đỏ nhưng mũi vẫn sưng nề, tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ trên mũi.

Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bác sĩ nhận thấy toàn bộ tháp mũi bệnh nhân sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng đỉnh mũi và sống mũi, sống mũi đỏ, tiết dịch. Kết quả cận lâm sàng không thấy tế bào gai lệch hình; có rất nhiều tế bào gai trung tính.

TS. Bs. Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng - Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo, với trường hợp bệnh nhân này rất khó tiên lượng bởi chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào nên việc phục hồi lại hình ảnh mũi như lúc chưa tiêm sẽ rất khó khăn.

TS. Kiêm cho biết biến chứng sau tiêm filler khá nhiều, nhưng thường gặp nhất là tắc mạch, chèn ép mạch hoặc cả hai gây hoại tử ở vùng nó nuôi dưỡng. Tắc mạch nuôi cằm, mũi, má sẽ gây hoại tử cằm mũi má. Tắc mạch mắt gây mùi mắt. Tắc mạch não gây đột quỵ. Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể phục hồi gần như ban đầu, nhưng nếu để muộn dễ dẫn đến hoại tử tổ chức không hồi phục. Trường hợp người thực hiện thủ thuật sai cách mà tiêm nhầm vào mạch máu, filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

TS. Kiêm khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, những người đang có ý định tiêm filler làm đẹp nên chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn tuyệt đối.

"Khi quyết định thực hiện, nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa thẩm mỹ và đã được cấp phép để thực hiện thủ thuật. Người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ Phẫu thuật thẩm mỹ hoặc chuyên khoa da liễu, được đào tạo về tạo hình thẩm mỹ và da liễu, phải hiểu rõ về các chất làm đầy, kỹ thuật và chỉ định tiêm. Người thực hiện thủ thuật cũng phải biết quy trình xử lý tác dụng không mong muốn nếu xảy ra" - TS. Bs. Phạm Cao Kiêm nói./.