Nhắc lại câu chuyện tình cách đây hơn 50 năm, ông Vladimir Nechyba (94 tuổi, người Czech) bật lên nụ cười sảng khoái. Còn bà Vi Hồng Nhung (74 tuổi) cố giấu ánh nhìn bẽn lẽn, rồi thoáng chút xấu hổ. Dường như ở họ, câu chuyện tình mới xảy ra ngày hôm qua.

Ông Nechyba đến Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 5/1958 với tư cách là một phó đoàn chuyên gia địa chất Tiệp Khắc.

Đón đoàn tại sân bay thời điểm đó có rất nhiều người nhưng ánh mắt ông chỉ tập trung vào cô phiên dịch Vi Hồng Nhung đang làm việc tại Tổng cục Địa chất. Lúc đó bà Nhung mới 18 tuổi.

“Sau chuyến đi đó, bạn bè có nói lại với tôi, ông người Tiệp đó nhìn mày đấy. Tôi chỉ nói, mình không để ý vì ông này già lắm”, bà Nhung kể lại.

img_0688_pmbf.jpg
Ông bà  Vladimir Nechyba và Vi Hồng Nhung đang lật giở lại những bức ảnh kỷ niệm của hai người
Cuộc gặp thoáng qua tại sân bay không khiến bà Nhung lưu tâm, nhưng khiến trái tim của chàng trai 38 tuổi người Tiệp Khắc lạc nhịp và ông chỉ mong sẽ tiếp tục được gặp lại người phụ nữ Việt Nam ấy lần nữa.

Số phận như đưa đẩy họ đến với nhau khi đoàn cán bộ địa chất của Tiệp Khắc được phân công về nghiên cứu ở khu vực Chợ Đồn (thuộc tỉnh Bắc Kạn ngày nay), thì bà Nhung cũng được phân công đi theo làm phiên dịch cho đoàn.

Rồi những chuyến đi xa cùng đoàn công tác, những lần hai người cùng phiên dịch một bộ phim Tiệp Khắc khiến họ gần gũi nhau hơn.

Sau hơn 1 năm làm việc chung, bà Nhung cảm nhận được ánh mắt trìu mến “ông già” người Tiệp. Bà đã đáp lại tình cảm của ánh mắt đó.

“Cảm nhận của tôi về ông ấy là một người đứng đắn, có nhiều tình cảm, và rất chân thành”, bà Nhung chia sẻ.

Khi tình cảm giữa hai người đang độ chín thì cũng là lúc ông Nechyba nghỉ phép.

Những cuộc gặp gỡ giữa hai người càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt, đối với bà Nhung dù yêu nhưng không dám nghĩ tới việc lập gia đình với ông Nechyba vì thời điểm đó việc lấy chồng ngoại quốc rất khó khăn.

“Ông già” người Tiệp không từ bỏ, ông bạo miệng bàn với bà việc có con trước hôn nhân, để đặt mọi việc vào sự đã rồi.

Ngày bà sinh con gái đầu lòng, dù gia đình rất thương nhưng do bố là cán bộ nhà nước, các em đang đi học sợ ảnh hưởng mọi người nên bà không dám ở Hà Nội mà phải chuyển về bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp ở Hải Phòng để sinh con.

Cuộc sống càng trở nên khó khăn, con bà không có được ký giấy khai sinh, không có tem phiếu, nên mọi sự chăm sóc cho cháu, bà đều phải mua bên ngoài.

Phải hơn 1 năm rưỡi, khi ông Nechyba nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người, bà mới đủ điều kiện theo chồng sang Czech.

Tháng 11/1963, hai người tổ chức đám cưới tại Tiệp Khắc (cũ) – bây giờ là Czech. Lễ cưới nho nhỏ chỉ có vỏn vẹn 6 người. “Lúc đó của tôi rất là hạnh phúc”, bà Nhung chia sẻ.

Người mẹ Việt ở đất Czech

Bố mẹ của ông Nechyba mất từ sớm, nên từ khi sang làm dâu, bà Nhung là người vun vén, chăm sóc cho ông Nechyba.

Nhớ lại những ngày đầu làm dâu xứ người, bà kể, lúc đó bà chỉ biết tiếng Pháp, nên ông Nechyba bảo bà đi học tiếng Tiệp. Tuy nhiên học được 3 tháng thì bà bị tai nạn.

Thương vợ, ông Nechyba bảo bà vào làm việc tạm ở một nhà máy sản xuất dụng cụ đo lường gần nhà để tiện học tiếng Tiệp qua giao tiếp, rồi sau đó là đi khâu quần áo thể thao.

Cuộc sống 2 vợ chồng khá khó khăn, dành dụm mãi, hai vợ chồng ông Nechyba mới mua được một căn nhà ở ngoại ô thủ đô Praha.

Đến năm 1984, sau 21 năm xa quê, hai vợ chồng bà lần đầu tiên quay về Việt Nam.

Cuộc sống nơi xứ người dù vất vả, nhưng khi nhắc lại, trên khuôn mặt người phụ nữ đã ngoài 74 tuổi này vẫn rạng ngời hạnh phúc.

Bà kể, nhiều lúc trong cuộc sống hai vợ chồng xảy ra va chạm, bà cáu gắt, ông Nechyba im lặng. Cái sự im lặng của ông càng bà phát điên.

Nhưng đến khi thấy bà nguôi ngoai, “ông già” lại gần vuốt tay lên vai vợ và thủ thỉ: “Anh rất thương em”. Lúc đó bà chỉ còn biết mỉm cười.

Và những câu tình cảm đó, đến tận bây giờ vẫn là thói quen thường ngày mà ông Nechyba dành cho bà.

Bà Nhung kể: Mỗi ngày, ông đều cầm tay bà và nói: “Không có bà, chắc tôi chết mất”.

Gần 50 năm theo “ông già” làm dâu nơi đất Czech, giờ hai ông bà đã có cháu, chắt.

Nhắc về quê hương, trong tim bà Vi Hồng Nhung gợi lên nỗi nhớ: Nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ Tết…

Nhắc lại cái Tết đầu tiên nơi quê người, bà nhớ khi đó không có người thân, không bánh chưng, không nước mắm. Bà Nhung tự chế ra các món ăn cho ngày Tết để với nỗi nhớ quê hương.

So với bây giờ, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, Tết trong nhà bà khi nào cũng có cành đào. Nhưng bà vẫn giữ cho mình thói quen nấu giò chả, thịt kho, làm bánh chưng.

Con cái, cháu chắt vẫn giữ thói quen ngày mùng 1 Âm lịch đến chúc Tết ông bà.

“Điều tôi hối hận nhất là do bận công việc mà không kịp dạy cho các cháu tiếng Việt, nhưng phong tục tập quán Việt Nam, các cháu đều hiểu hết. Như việc kính trọng ông bà, vào mâm cơm ông bà ngồi trước, con cháu ngồi sau…”.

Có người vợ Việt, ông Nechyba cũng đâm ra “nghiện” những món ăn Việt. Ông Nechyba giãy bày, ông rất thích món bánh chưng rán vì đơn giản: “Mỗi khi ăn bánh bị dính, mở miệng ra hơi bị khó”, ông Nechyba tươi cười tâm sự.

Đặc biệt, ông Nechyba rất quý người Việt, thấy người Việt Nam là ông mời về nhà chơi ngay lập tức./.

Ông Trần Việt Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người Việt Nam tại Cộng Hoà Czech: : Ấn tượng đầu tiên của tôi về vợ chồng ông bà Nechyba – Vi Hồng Nhung, đó là hình ảnh một người phụ nữ Việt đã già, mặc áo dài đi bên một người Czech tuổi cũng cao đến toà nhà đại sứ dự lễ kỷ niệm.

Cặp vợ chồng Nechyba – Vi Hồng Nhung sống rất hạnh phúc, tình yêu của họ như là biểu tượng cho mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và Cộng hoà Czech.