Đài TNVN nhận được công văn của Sở TN&MT Bắc Kạn trả lời bài viết phản ánh về tình trạng sông Phó Đáy đoạn qua huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có dấu hiệu bất thường, nghi do tình trạng xả trộm chất thải từ xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn gây ra.
Dòng sông Phó Đáy đoạn qua trung tâm xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. |
Sở TN&MT Bắc Kạn cho biết, qua kiểm tra theo phản ánh của PV Đài TNVN thường trú tại khu vực Đông Bắc, khu vực xã Bình Trung hiện có 4 đơn vị sản xuất liên quan đến hoạt động chế biến tinh bột sắn, gỗ bóc, gỗ băm, đũa gỗ và giấy đế, không có có sở chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, hiện đơn vị chế biến tinh bột sắn đã tạm ngừng hoạt động, cơ sở chế biến gỗ băm, bóc không phát sinh chất thải ra sông Phó Đáy.
Riêng với Nhà máy sản xuất giấy đế của Công ty TNHH Giấy và gỗ Bình Trung, Sở TN&MT Bắc Kạn cho biết, kết quả kiểm tra ngày 20/5/2020 cho thấy, nước thải nhà máy được xử lý đúng quy cách trước khi ra sông Phó Đáy, các chỉ số quan trắc cơ bản đạt theo quy chuẩn hiện hành.
Cũng theo kết quả kiểm tra, khoảng đầu tháng 5/2020, mưa lớn kéo dài đã gây ra sự cố khiến một lượng nước thải chưa qua xử lý của nhà máy chảy ra sông Phó Đáy, đơn vị đã khẩn trương khắc phục xong sự cố.
Đầu tháng 6/2020, sông Phó Đáy đoạn qua xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục xuất hiện bọt trắng và nước có màu đen đục. |
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Phùng Thế Hiệu, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Tuyên Quang khẳng định, trên địa bàn xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang không có bất cứ cơ sở chăn nuôi, chế biến nông, lâm sản, khoáng sản hay khu dân cư có thể gây ra tình trạng bất thường của sông Phó Đáy.
Như vậy, đến thời điểm này các cơ quan chức năng của cả hai tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang đều chưa có câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân khiến sông Phó Đáy bị ô nhiễm trong nhiều năm qua.
Anh Giàng Seo Sình, Trưởng thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang không giấu nổi thất vọng vì từ đầu tháng 6 đến nay, dấu hiệu bất thường của nguồn nước sông Phó Đáy lại tiếp tục với tần suất có phần dày hơn trước.
“Chúng tôi ở đây không biết màu nước thế có ô nhiễm hay không, nhưng mà tình trạng này đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày chúng tôi, từ người sinh hoạt đi lại tắm giặt đến chăn nuôi gia súc. Chúng tôi mong là cơ quan chức năng, sở Tài nguyên môi trường 2 tỉnh sớm điều tra, làm rõ để giải quyết dứt điểm vấn đề này, trả lại dòng sông Phó Đáy như xưa”, anh Sình cho hay./.