Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, nam bệnh nhân giấu tên tại London, Anh đang đồng thời điều trị ung thư, đã không còn virus HIV trong cơ thể trong 18 tháng qua và đã ngừng dùng thuốc điều trị HIV.
Theo các nhà nghiên cứu, hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng bệnh nhân này đã được “chữa khỏi” HIV. Phương pháp cấy ghép tế bào gốc thực tế không áp dụng điều trị cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV. Tuy nhiên, đây cũng là một hướng đi để các nhà nghiên cứu tìm ra phương pháp chữa trị HIV trong tương lai.
Bệnh nhân người Anh được “chữa khỏi” HIV. Ảnh: Getty |
Nam bệnh nhân trên được chẩn đoán nhiễm HIV năm 2003 và phát hiện ung thư năm 2012. Trong nhiều năm qua, người bệnh này được hóa trị để chống chọi ung thư. Bên cạnh đó, ông được cấy ghép tế bào gốc từ một người kháng HIV hiến tặng. Căn bệnh ung thư và HIV của bệnh nhân này đều có dấu hiệu thuyên giảm.
Các nhà khoa học tại Đại học London, Đại học Hoàng gia London, Đại học Cambridge và Oxford đều tham gia nghiên cứu trường hợp này.
Ca nhiễm HIV thứ 2 được “chữa khỏi” bằng tế bào gốc
Cách đây 10 năm, một người bệnh ở Berlin (Đức) đã được ghép tủy xương từ một người hiến tặng có khả năng miễn dịch tự nhiên với virus HIV.
Timothy Brown, được cho là trường hợp đầu tiên “đánh bại” HIV/AIDS, sau hai lần cấy ghép tế bào gốc và xạ trị bệnh bạch cầu.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, Giáo sư Ravindra Gupta tại trường Đại học London cho biết: “Trường hợp bệnh nhân thứ 2 thuyên giảm HIV trong cơ thể bằng phương pháp ghép tế bào gốc cho thấy, việc người bệnh đầu tiên tại Berlin được chữa khỏi không phải là “điều bất thường”. Đây thực sự là pháp pháp điều trị đã giúp loại bỏ HIV ở 2 bệnh nhân này”.
Giáo sư Eduardo Olavarria, tại Đại học Hoàng gia London cũng khẳng định, thành công của phương pháp ghép tế bào gốc mang lại hy vọng và hướng đi cho các nghiên cứu mới để chữa trị HIV. Song, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.
“Đây không phải là quy trình điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân HIV. Hóa trị là rất độc. Những trường hợp này, người bệnh bắt buộc phải hóa trị để điều trị ung thư”.
Trong khi đó, Giáo sư Graham Cooke tại Đại học Hoàng gia London tin rằng kết quả này rất “đáng khích lệ”: “Nếu chúng ta có thể hiểu rõ hơn tại sao phương pháp này có hiệu quả với một số bệnh nhân, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu cuối cùng là chữa khỏi HIV”.
Các nhà nghiên cứu cho biết, “một kho chứa” các tế bào mang HIV vẫn có thể tồn tại trong cơ thể người bệnh ở trạng thái “ngừng hoạt động” trong nhiều năm.
Tiến sĩ Andrew Freedman, Giáo sư danh dự tại Đại học Cardiff, Anh cũng cho rằng đây là một “nghiên cứu tích cực và quan trọng”.
Song theo ông, người bệnh phải tiếp tục được theo dõi để đảm bảo virus HIV không xuất hiện trở lại.
“Thực tế, phương pháp điều trị này không áp dụng được với hàng triệu người đang nhiễm HIV trên thế giới. Nhưng kết quả nghiên cứu có thể giúp phát triển phương pháp cuối cùng chữa khỏi HIV”, Giáo sư Andrew Freedman nhận định.
Ông cũng cho rằng, điều quan trọng là phải chẩn đoán HIV kịp thời và người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng HIV. Điều này có thể ngăn chặn HIV lây nhiễm sang người khác và giúp người nhiễm HIV có thể có cuộc sống và tuổi thọ như người bình thường./.
Dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV