Ngày 4/3, 120 y tá điều dưỡng viên Việt Nam bắt đầu khóa học tiếng Đức để chuẩn bị cho chương trình đào tạo chuyên sâu và làm việc tại Đức.

ya-ta-oi.jpg
Các học viên chụp ảnh kỷ niệm với Đại sứ Đức. (ảnh do Đại sứ quán Đức cung cấp)

Chính phủ CHLB Đức đã phát động dự án thử nghiệm này theo một chính sách lao động mới cho phép nguồn nhân lực có trình độ và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc tại Đức. Đức có một nền kinh tế phát triển nhưng thiếu lao động có trình độ cao. Các y tá điều dưỡng viên của Việt Nam sẽ có 2 năm được đào tạo đăc biệt trong ngành điều dưỡng.

Phát biểu tại lễ khai giảng khóa học tiếng Đức, Đại sứ CHLB Đức, bà Jutta Frasch nói: “Tôi muốn nhiệt liệt chào mừng những học viên đã vượt qua kỳ tuyển dụng thành công để tham gia khóa học này. Các bạn đã thể hiện độ cam kết cao để bắt đầu học một ngôn ngữ mới cũng như để tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu về nghề nghiệp. Ở Đức chúng tôi cần một số lượng lớn nhân lực có chất lượng cao, không chỉ trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Ngành kinh tế Đức rất cần nguồn nhân lực có bằng đại học trong lĩnh vực toán học, công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên và kỹ sư nữa”.

Đại sứ Jutta Frasch nhấn mạnh: việc y tá và điều dưỡng Việt Nam làm việc tại Đức là sự ủng hộ rất lớn cho việc phát triển mối quan hệ chiến lược hai nhà nước. 

“Việt Nam là quốc gia ngoài châu Âu đầu tiên mà nước Đức hợp tác trong lĩnh vực lao động nhập cư trong ngành y tế”, ngài Phó Trưởng đại diện tổ chức GIZ, Tiến sỹ Andreas Schneider phát biểu.

GIZ hiện đang thay mặt Chính phủ CHLB Đức phối hợp với Viện Goethe Hà Nộ và Cục quản lý lao động ngoài nước (DOLAB) trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện dự án thí điểm này.

Tiến sĩ Andreas Schneider cũng nói rằng, Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ rất tích cực và tạo điều kiện di cư cho lao động trong ngành y tế.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Thứ trưởng Bộ Lao động và Thương binh Xã hội Nguyễn Thanh Hòa khẳng định: “Chính phủ Việt Nam xác định rằng, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hoạt động mang tính kinh tế xã hội, có đóng góp tích cực đến việc phát triển nguồn nhân lực, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và tay nghề cho người lao động Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa”./.