Mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách giải quyết chế độ cho cựu thanh niên xung phong, tuy nhiên, số cựu thanh niên xung phong được giải quyết chế độ chính sách mới chỉ chiếm 70%. Hiện cả nước còn khoảng 130.000 cựu thanh niên xung phong và 30.000 thanh niên xung kích phục vụ biên giới chưa được giải quyết chế độ chính sách. Nhiều cựu thanh niên xung phong đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc nhưng giấy tờ bị thất lạc nên không được hưởng đãi ngộ. Với đặc thù này thì các cấp, ngành cần có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết kịp thời chế độ cho cựu thanh niên xung phong. 

Ông Nguyễn Văn Đạo ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, vào ngành quân giới khi mới 12 tuổi. Năm 1963, ông được cử vào Nam phụ trách thanh niên xung phong, nằm vùng ở Sài Gòn. 3 năm sau, trên đường đi công tác cơ sở, ông bị địch phục kích và bị thương, 3 mảnh đạn vào sọ não, 2 mảnh đạn vào bụng và cụt đầu ngón tay phải…

2_ba_zwua.jpgBà Nguyễn Thị Hiên (ảnh trái) làm việc cùng cán bộ Hội cựu thanh niên xung phong của phường. (Ảnh: Lê Thơm)
Tuy nhiên, suốt quá trình công tác đó, ông không có giấy tờ để chứng minh kể cả giấy chứng thương hay giấy chứng nhận điều trị tại bệnh viện. Vì khi đó ông hoạt động trong vùng địch chiếm, tất cả là bí mật. Khi có Quyết định 104 của Chính phủ về việc xác nhận cựu thanh niên xung phong, ông đã trở lại chiến trường xưa để tìm đồng đội xác nhận. Nhưng khi ông xác nhận xong thì Quyết định này lại ngưng triển khai. Vì thế, hơn chục năm qua , ông vẫn chưa được giải quyết chế độ.

Ông Đạo chỉ là một trong số hàng vạn trường hợp cựu thanh niên xung phong chưa được giải quyết chế độ. Phân tích nguyên nhân thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Hiên, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: có rất nhiều nguyên nhân như tính chất lịch sử, thất lạc hoặc không có giấy tờ gốc. Một số cơ quan chức năng còn chưa làm hết trách nhiệm, dẫn đến đề xuất các văn bản về chế độ, chính sách không sát, thiếu tính lịch sử, chưa phù hợp với thực tế. Nhiều cán bộ còn biểu hiện hành chính, quan liêu, máy móc khi thực thi nhiệm vụ. Theo quy định, trường hợp với thanh niên xung phong không có giấy tờ gì để chứng minh thì phải nộp bản khai phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong hoặc các thông tin có liên quan đến cơ quan, đơn vị, thời gian tham gia thanh niên xung phong… có chứng thực Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng kí hộ khẩu thường trú trước khi tham gia thanh niên xung phong. 

Ông Nguyễn Cao Vãng - Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam. (Ảnh. Lê Thơm)
10 năm qua, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp giải quyết chế độ chính sách cho cựu thanh niên xung phong. Tuy nhiên, thực tế không ít chính sách được ban hành nhưng không thể thực hiện hoặc đạt kết quả thấp. Ví dụ, quy định về giải quyết chế độ thương binh, liệt sỹ cho cựu thanh niên xung phong đã ban hành nhiều năm nhưng hiện vẫn còn tồn đọng tới gần 9 nghìn trường hợp người bị thương và hơn 600 người hy sinh chưa được thụ hưởng; Quy định về chế độ chính sách đối với người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học được ban hành cách đây 10 năm, nhưng còn hơn 11 nghìn cựu thanh niên xung phong và 3 nghìn con đẻ của họ bị nhiễm chất độc chưa được hưởng chính sách; hơn 26 nghìn người chưa được hưởng bảo hiểm y tế... 

Ông Nguyễn Cao Vãng, Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho biết: “Các chính sách Chính phủ đã ban hành phải rà soát lại, phối hợp với chương trình tổng rà soát của cả nước. Bên cạnh đó, Hội tập trung kiến nghị giải quyết thủ tục như thế nào để giải quyết được chế độ thương binh, liệt sỹ; Mức trợ cấp hàng tháng cho người khó khăn cô đơn, không nơi nương tựa hiện nay có 360.000 là thấp quá, không bằng mức chuẩn nghèo của một số địa phương. Trung ương Hội sẽ làm hết sức mình, đúng vai trò lịch sử để Đảng và Nhà nước có những chính sách đúng mức đối với thanh niên xung phong”.

Quá trình giải quyết chính sách, chế độ cho cựu thanh niên xung phong còn gặp nhiều vướng mắc. Nhiều cựu thanh niên xung phong đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc song vì lý do nào đó mà họ không còn giấy tờ để chứng minh và chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các ngành chức năng cần kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi những bất cập phát sinh cho phù hợp với tình hình thực tế, qua đó đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của cựu thanh niên xung phong./.