Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng triệu thanh niên lên đường nhập ngũ, hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho độc lập dân tộc. Nhiều người trở về mà không biết đã mang trong mình chất độc da cam do Mỹ rải xuống chiến trường Việt Nam suốt trong suốt 10 năm (từ 1961-1971). Đáng buồn là do còn nhiều bất cập trong chế độ chính sách, vẫn còn hàng trăm nghìn nạn nhân da cam chưa được hưởng chế độ.
Do còn nhiều bất cập trong chế độ chính sách, vẫn còn hàng trăm nghìn nạn nhân da cam chưa được hưởng chế độ. Ảnh Báo Tây Ninh. |
Ông Vũ Đình Hồi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, lên đường nhập ngũ cùng bạn bè trang lứa khi vừa tròn 19 tuổi. Sau 3 tháng đi bộ ròng rã, ông và đồng đội đã đến chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng. Ông tham gia chiến đấu ở chiến trường này từ 1965 đến năm 1970. Đó cũng là quãng thời gian Mỹ rải chất độc hóa học.
Khi ấy, ông và các chiến sĩ chỉ biết đó là thứ chất độc khi xộc lên mặt thì gây cay mắt và có mùi khó chịu chứ không biết đó là thứ chất độc chết người, để lại di chứng đến đời sau. Sau khi phục viên, ông lập gia đình và sinh con gái đầu lòng. Khi con gái lên 3 tuổi, thấy con bị co giật liên tục, ông cho con đi khám và sau này mới biết con bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.
Theo chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, con ông được công nhận là nạn nhân da cam. Nhưng trớ trêu thay, chính bản thân ông lại không được công nhận là nạn nhân da cam, vì những căn bệnh ông đang mang trong mình không có trong danh mục 17 loại bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
“Lúc trẻ đi bộ đội, trong những năm chiến tranh tham gia chiến đấu tôi cũng không nghĩ sau này được hưởng chế độ nọ, chế độ kia. Cũng đã rà soát nhiều lần nhưng cũng không thấy ai hồi âm. Bây giờ thì tôi cũng già rồi, tâm thần, sọ não ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Con tôi thì được hưởng chế độ da cam lâu rồi mà tại sao bố lại không được?”, ông Vũ Đình Hồi nói.
Đây chỉ là một trong số hàng trăm nghìn người nằm trong danh sách vẫn chưa được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cả nước có khoảng 4,8 triệu người phơi nhiễm chất độc da cam, 3 triệu người trong đó là nạn nhân. Nhưng đến nay mới có 300.000 người hưởng chế độ chính sách.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Hà Tĩnh. |
Ông Nguyễn Quang Tiến, phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Tĩnh nêu thực tế ở địa phương: “Hà Tĩnh có khoảng gần 20.000 người trực tiếp tham gia chiến đấu và con đẻ của họ bị phơi nhiễm. Trong đó mới giải quyết chế độ được khoảng 7.500 trường hợp, số còn lại chưa được giải quyết do nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, có một số chủ trương chính sách chưa thống nhất, còn thay đổi nhiều. Thứ hai, do người tham gia chiến đấu nhưng hiện không giữ lại được giấy tờ. Thứ ba, quyết định 09 của Bộ Y tế quy định 17 danh mục bệnh tật hưởng chính sách thì có những người chưa phù hợp với điều kiện danh mục được hưởng đó”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. |
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp hội, thì hiện nay các Bộ, ngành chức năng đang đẩy nhanh việc hoàn hiện chính sách đối với những người bị nhiễm chất độc da cam, đặc biệt là những người tham gia kháng chiến. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành bổ sung danh mục các loại bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học nhằm tránh tình trạng người bị bệnh do phơi nhiễm nhưng không được xem xét giải quyết chính sách.
Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sớm kiến nghị và hướng dẫn thủ tục giải quyết đối với những người tham gia kháng chiến ở vùng bị rải chất độc hóa học nhưng không còn lưu giữ được giấy tờ gốc chứng minh.
“Chính sách của nhà nước, về mặt pháp lý tương đối đầy đủ. Nhưng hướng dẫn thực hiện còn nhiều vướng mắc. Vướng mắc nhất là hiện nay là nạn nhân không còn giấy tờ để chứng minh chiến đấu ở vùng nào và nhiễm ở vùng nào, từ đó không có cơ sở để được hưởng chế độ. Chúng tôi cũng kiến nghị sớm có thủ tục giản đơn, xem xét giản đơn hơn. Ví dụ như 1 người đi bộ đội, được đơn vị chứng nhận, được chính quyền địa phương chứng nhận thì đề nghị Chính phủ có quyết định được hưởng chế độ của Nhà nước”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nói.
Những nỗi đau mà nạn nhân da cam đang phải gánh chịu không chỉ là nỗi đau thể xác, mà quan trọng hơn là nỗi đau tinh thần khi trí tuệ của họ đang bị hủy hoại. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, bên cạnh sự ủng hộ của xã hội, ngày càng cần hơn sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhanh chóng khắc phục những tồn tại, vướng mắc; vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ trong quá trình xác nhận, thẩm định để nạn nhân chất độc da cam sớm được thụ hưởng chính sách xứng đáng với hy sinh của họ trong cuộc kháng chiến đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc./.