“Con đường khát vọng” là triển lãm về nghị lực sống và hành trình đến với sự tha thứ, đi tìm công lý của các nạn nhân chất độc da cam. Đồng thời mang ý nghĩa hết sức to lớn và khẳng định ý chí của tuổi trẻ, đồng hành cùng các nạn nhân da cam trên con đường đấu tranh đòi công bằng. Đặc biệt triển lãm lần này lấy ý tưởng của người còn rất ít tuổi, đại diện cho lớp trẻ hiện nay đóng góp phần nào cho việc khắc phục hậu quả của thảm họa da cam.

vov_1_a_da_cam_odjk.jpg
Triển lãm thu hút sự quan tâm đông đảo của các bạn thanh niên và người dân Thủ đô. (Ảnh: Trà Xanh)

Sau khi được trò chuyện với một cựu chiến binh Điện Biên, cô gái nhỏ 16 tuổi Nguyễn Ngọc Minh đã hiểu ra nhiều điều và nêu ý tưởng triển lãm này. Với sự giúp đỡ tận tình của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội nạn nhân chất độc màu da cam triển lãm đã thành hiện thực.

Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ rằng: “Tôi hy vọng triển lãm “Con đường khát vọng” sẽ truyền đến những cảm hứng đến tất cả mọi người giống như những câu chuyện của những nạn nhân chất độc màu da cam mang lại cho tôi. Tôi học được rất nhiều điều từ họ, tôi hiểu rằng sự tha thứ không nhất định là bỏ quên và công lý là cả một chặng đường dài chứ không phải là một đích đến. Ý chí thực sự sẽ giúp con người vượt qua mọi thử thách và hơn hết con người Việt Nam sẽ tìm ra con đường vượt qua mọi khó khăn, vượt qua chính bản thân mình.”

Một bạn trẻ chụp lại ảnh tại triển lãm. Ảnh: Trà Xanh

Triển lãm trưng bày gần 100 bức ảnh do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cung cấp và được chia làm 4 chủ đề: Hành trình đi tìm công lý; Sự tha thứ; Hoa xương rồng; Mặt trời khát vọng. Mỗi chủ đề thể hiện một hành trình đấu tranh đầy gian nan vì nạn nhân chất độc da cam đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và cần sự chung tay chia sẻ của cả cộng đồng. Đồng thời nói lên nghị lực sống của con người Việt Nam vươn lên trong khó khăn với niềm khao khát được sống, được cống hiến cho đời.

Đến với triển lãm, người xem sẽ thực sự xúc được trước bức ảnh về phép màu từ nghị lực với em Hồ Hạnh - "chú chim cánh cụt bay", dù ko có được hai cánh tay nhưng vẫn có thể trở thành kình ngư khi xuống nước, để giành Huy chương Đồng trong ĐH Thể thao của tỉnh.

Bên cạnh đó, người tham gia triển lãm sẽ được ngắm sắc màu nghệ thuật và những nét vẽ tinh tế trong tranh của họa sỹ vẽ bằng miệng Lê Minh Châu - một nạn nhân chất độc da cam với đam mê hội họa.

Lê Minh Châu, sinh năm 1991, bị liệt hai chân vì nhiễm chất độc da cam, được gửi vào làng Hòa Bình (TPHCM) nuôi từ khi 6 tháng tuổi. Ảnh: Trà Xanh

Từ những xúc cảm trước nghị lực phi thường và khát vọng sống mãnh liệt ấy giúp người xem hiểu rằng, ước mơ xây dựng một đất nước Việt Nam hoà bình, phát triển, hạnh phúc và nhân văn là có thật, và sẽ trở thành sự thật. Với lớp thanh niên bản lĩnh, trí tuệ và khát khao sống đẹp, sống cống hiến, bắt đầu từ những xúc cảm thôi thúc trong tim.

"Các bạn trẻ có hoài bão ước mơ và mong muốn được cống hiến vì cái chung, hãy đến với chúng tôi", chị Nguyễn Thị Quý Phương, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương - đơn vị tổ chức sự kiện, khẳng định tại lễ khai mạc. Ảnh: Trà Xanh

Cũng trong khuôn khổ của chương trình, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tổ chức tọa đàm “Hành trình đi tìm công lý” với sự tham gia của bà Trần Tố Nga, người được mệnh danh là người tí hon chiến đấu với những kẻ khổng lồ để chia sẻ về hành trình tìm lại sự công bằng cho những nạn nhân da cam.

Bà Trần Tố Nga và em Nguyễn Ngọc Minh. Ảnh: Trà Xanh

Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời đã trao đổi các nội dung liên quan đến những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học đối với môi trường và con người Việt Nam; hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân da cam; thanh niên cả nước sát cánh cùng Hội Nạn nhân da cam; và những chính sách giúp đỡ, hỗ trợ đối với những nạn nhân da cam để họ được hòa nhập với cộng đồng, được thực hiện những ước mơ và khát vọng sống.

Tọa đàm "Hành trình đi tìm công lý". Ảnh: Hoàng Hà
 Triển lãm ảnh “Con đường khát vọng” diễn ra từ ngày 22 đến 25/10 tại trung tâm triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội./.