Ngày 30/1, tại hội thảo “Chất lượng không khí năm 2017: Hiện trạng và giải pháp”, báo cáo Bộ Tài Nguyên Môi trường cho biết, kết quả quan trắc được ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy chỉ số chất lượng không khí nhiều lần vượt ngưỡng nguy hiểm ở mức gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2016, hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi.
Trong năm qua, kết quả quan trắc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ số chất lượng không khí nhiều lần vượt ngưỡng nguy hiểm ở mức gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng. Nồng độ bụi trung bình năm cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 3,5 lần. Nguyên nhân là do sức ép từ các hoạt động phát triển kinh tế sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, sinh hoạt dân sinh, nông nghiệp và làng nghề, xử lý chất thải…
Bà Lê Thái Hà, Trưởng khoa xét nghiệm và phân tích, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết: Nghiên cứu của Viện từ năm 2011 đến bây giờ đã cho thấy, không khí trong nhà có nồng độ bụi PM 10 và bụi PM 25 trung bình 24 giờ đều vượt tiêu chuẩn.
Các vi khuẩn và nấm mốc cũng rất cao. Nồng độ CO2 trung bình cũng rất cao so với quy định. Gánh nặng bệnh tật trong môi trường ô nhiễm không khí từ cái nhiễm đến mắc bệnh và cho đến tử vong. Từ những nghiên cứu này, chúng tôi kiến nghị cần thiết phải có nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe bên cạnh việc đấy thì việc thiết lập nên về không khí quy chuẩn trong nhà của Việt Nam.
Hàng năm, nền kinh tế bị thất thoát từ 5% đến 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dự báo, tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng trong thời gian tới.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, các đại biểu kiến nghị cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát nguồn thải, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật và kinh tế cho nông dân để thu gom rơm rạ sau thu hoạch và không sử dụng than tổ ong... Đồng thời quan tâm đầu tư xây dưng hệ thống quan trắc tại các vùng kinh tế trọng điểm và kiểm kê nguồn thải…
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Nguyên phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: “Một số giải pháp là kiểm soát thật chặt các nguồn thải của 4 ngành: nhiệt điện chạy than, xi măng, thép, hóa chất.
Tôi nghĩ nếu kiểm soát được 4 ngành này đã kiểm soát được 80% lượng khí thải từ các nguồn thải khí; sau đó công khai dữ liệu quan trắc khí thải và thanh tra kiểm tra hàng năm rồi triển khai các biện pháp kỹ thuật. Tôi nghĩ có rất nhiều những biện pháp kỹ thuật ví dụ như xây dựng nhà cao tầng , đường xá; Đầu tư thêm các trạm quan trắc không khí tự động để mà thường xuyên có những cảnh báo”./.
Hà Nội sẽ xóa sổ bếp than tổ ong vào năm 2020