Mặc dù Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chính thức chỉ đạo dừng việc chặt hạ cây xanh tại Hà Nội,đáp ứng tức thời nguyện vọng gìn giữ một đô thị xanh của người dân, song vẫn còn rất nhiều đáng bàn sau bản đề án cũng như vấn đề quy hoạch cây xanh Hà Nội hiện nay.

Quy hoạch cây xanh thì phải hiểu về cây

liem_chvm.jpgTS. Phạm Sỹ Liêm
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) cho rằng, muốn phát triển cây xanh đô thị  phải hiểu tác dụng của nó. Nhưng trong đề án phát triển cây xanh Hà Nội, những người đề xuất chưa hiểu hết chức năng, vai trò, tác dụng của cây xanh đô thị. “Tác dụng cảnh quan, môi trường thì ai cũng thấy. Cây xanh có tác dụng lọc không khí, che nắng, che mưa và giữ nước mưa. Nếu chặt cây xanh, nước mưa chảy trực tiếp xuống đất và nước dâng lên rất nhanh”.

Theo TS Liêm, một vấn đề nữa cần quan tâm đến là đa dạng sinh học đô thị. “Trong đô thị toàn bê tông, vật liệu nên đa dạng sinh học rất kém. Cây xanh còn là nơi  chim chóc, bướm, ve sầu…  trú ngụ. Tất cả những cái đó giữ lại đa dạng sinh học của đô thị”.

TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, một vấn đề nữa cũng rất đáng quan tâm khi quy hoạch cây xanh đô thị là về ý nghĩa tinh thần. “Cây xanh là một phần của chất lượng cuộc sống. Cây và người cùng lớn lên và trở thành bạn bè với nhau. Với nhiều người, chặt một cây xanh không khác nào giết một người bạn. Cây cối, nhất là cây cổ thụ còn là chứng nhân lịch sử, chứng kiến những sự kiện lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho nên người Việt Nam và trên thế giới coi trọng những cây cổ thụ. Chỉ cần một mẩu của cây, các nhà khảo cổ có thể tái hiện cả một giai đoạn lịch sử”.

Ngoài ra cây xanh còn có tác dụng giáo dục rất hiệu quả. Cây làm cho con người gần gũi với sự sống ‘Chúng ta ở môi trường bê tông, toàn những thứ “không sống”. Cho nên cây xanh có tính nhân văn ở chỗ đó”.

Ông Liêm dẫn câu chuyện một ông thầy ở nước ngoài thấy học sinh ngày càng bạo lực và thiếu kìm chế. Ông liền cho trồng cây xanh ở vườn trường và để các em tự chăm sóc cây từ lúc bé đến lúc nó lớn. “Vì sao vi phạm đạo đức học đường gia tăng, bởi các em ngày ngày tiếp xúc với game, trên mạng thì cảnh đánh nhau, giết chóc tràn lan, người ta coi mạng sống rất rẻ mạt… Sự sống của cây cũng như người là vô cùng quý giá. Để các em chăm sóc cây hàng ngày, mới biết trồng một cây xanh vất vả và mất thời gian như thế nào, từ đó mới biết quý trọng sự sống”.

Theo TS Liêm, ngoài rất nhiều tác dụng đối với môi trường, con người và đô thị, cây xanh còn tạo ra bản sắc riêng của đô thị. Bản sắc của Hà Nội là có nhiều cây xanh và hồ nước.

Quy hoạch phải chú ý đến hiện trạng

Theo ông Liêm, phát triển đô thị có hai vấn đề là quản lý đô thị và quy hoạch đô thị. Cây xanh đóng góp vào không gian công cộng. Trong quy hoạch cần có vành đai xanh. Hà Nội hiện chưa đề cập gì đến việc tạo vành đai xanh trong khi lại thực hiện việc chặt cây trong nội thành. Quy hoạch cần phải chú ý đến hiện trạng. Đầu thế kỷ 20 có lý luận phải xóa quy hoạch để xây dựng trên mảng đất trống. Lý luận này sau đó bị phản đối kịch liệt vì đường phố hiện đại ngăn cách con người. Quy hoạch hiện đại nên hướng tới sự gần gũi, gắn kết con người mà cây xanh có thể là một công cụ.

“Bao giờ làm quy hoạch cũng có phần “đã có” và “sẽ có”. Cần quan tâm phần “sẽ có” như thế nào, còn phần “đã có” xem như thế nào để sửa, chứ không phải quy hoạch là phá toàn bộ phần “đã có” rồi xây lại. Quy hoạch cây xanh đô thị nếu thích thì chặt cây cũ là không được”- TS. Phạm Sỹ Liêm nói.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, đối với quản lý đô thị, muốn quyết định việc gì thì phải thông tin cho mọi người biết, đồng thời khuyến khích mọi người làm theo và cuối cùng mới là việc cấm đoán.

“Muốn cấm thì phải tạo điều kiện mới được cấm, chứ không phải bảo cấm là cấm. Như hiện nay, chỗ nào ghi cấm đổ rác thì người ta đổ, càng cấm thì người ta càng làm…. Bởi đa phần cấm khi việc đó đã xảy ra rồi, rác đã đổ rồi…Vào trong một đô thị quan trọng là mũi tên để chỉ cho người ta biết rõ nơi họ cần đến, chứ không phải bằng chữ cấm. Quản lý bằng chữ cấm là hạ sách. “Cây xanh ở Hà Nội cũng thế, chưa biết thế nào cứ chặt đã, chưa tạo màu xanh mới mà đã triệt hạ màu xanh đang có là một sai lầm”./.