Trước băn khoăn của dư luận và báo giới về hàng trăm cây xanh đã bị chặt hạ trong thời gian qua tại Hà Nội hiện đang ở đâu? Gỗ dùng để làm gì, chiều 23/3, phóng viên VOV.VN đã được “mục sở thị” nơi tập kết những cây xanh đã bị chặt.

Đó là khu vực vườn ươm Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - Xí nghiệp sản xuất cây xanh, hoa, cây cảnh thuộc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội. Tại đây, có hai kho gỗ, một nằm sát với nhà dân rộng vài trăm m2, tập trung thân cành nhỏ, rất nhiều khúc gỗ đã bị mục nát. Toàn bộ số gỗ này được tập kết từ quý III năm 2014. Một điểm tập kết khác rộng hơn, nằm giữa khu vườn ươm kéo dài gần 500m, cao từ 1-3m đang tập kết hàng trăm gốc và cây cổ thụ, trong đó chủ yếu là cây xà cừ mới được chặt hạ.

Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, khu vườn ươm này chứa toàn bộ số cây đã chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) từ năm 2014 và cây xanh mới bị chặt hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh, Phố Huế, Hàng Bài.

Cụ thể, từ đầu năm 2015, công ty đã đã tiến hành chặt hạ 111 cây và đánh chuyển 128 cây từ đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) về vườn ươm (tổng số là 239 cây). Các loại cây bị chặt hạ gồm cây có đường kính nhỏ dưới 20cm, không đúng chủng loại như Dâu Da, Vông, Dướng, cây sâu mục... là 12 cây; xà cừ: 1 cây; các loại khác: 98 cây. Trước đó, tháng 12/2014, công ty chặt hạ 115 cây trên đường Hàng Bài, Phố Huế; trồng lại 117 cây.

Cũng theo ông Hoàng, toàn bộ củi, gỗ thu hồi công ty không được tổ chức bán đấu giá. Giá trị một mét khối gỗ tùy theo từng thời điểm trung tâm thẩm định giá Sở Tài chính đưa ra. “Số lượng củi, gỗ sẽ được công ty báo cáo Sở Tài chính, thông qua 1 công ty thẩm định giá thẩm định toàn bộ số gỗ để bán đấu giá. Toàn bộ số tiền bán đấu giá được thu về nộp vào ngân sách nhà nước”, ông Hoàng cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Hanh - Giám đốc xí nghiệp sản xuất cây xanh, hoa, cây cảnh cho biết, toàn bộ 128 cây (chủ yếu là cây hoa sữa) sau khi được đánh chuyển từ đường Nguyễn Chí Thanh về được công nhân kiểm tra tình trạng cây xem bầu cây có bị vẹo lệch, đầu rễ có bị dập nát không sau đó tiến hành xử lý kỹ thuật để tránh khi cây được trồng bị nấm rễ, sâu bệnh. Sau khi cây phục hồi, đủ tiêu chuẩn, số cây này sẽ được tái trồng tại công viên, vườn hoa... đường phố theo quy hoạch./.

Một số hình ảnh phóng viên VOV.VN ghi lại tại nơi tập kết:

cay_13_qzpz.jpgHàng loạt cây mới bị chặt hạ được chuyển điểm tập kết, nằm giữa khu vườn ươm kéo dài gần 500m, cao 1-3m
 Chủ yếu là thân cây xà cừ 

 Có những thân cây đường kính rất lớn...

 

...đường kính cây gỗ này gần 1m

Đây là toàn bộ số cây đã chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) từ năm 2014 và cây xanh mới bị chặt hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh, Phố Huế, Hàng Bài. 

Gỗ từ cây đã bị chặt hạ

Lãnh đạo của Công ty Công viên cây xanh cũng cho biết, khu vực này dùng để chứa gỗ và cành củi thu được sau khi chặt cây chết, sâu bệnh, mục ruỗng, gãy đổ hoặc có nguy cơ đe dọa an toàn của người dân.

Số lượng củi, gỗ bị chặt hạ sẽ được bán đấu giá. Toàn bộ số tiền thu về nộp vào ngân sách nhà nước.

Một điểm tập kết củi, gỗ khác nằm sát với nhà dân rộng vài trăm m2, tập trung thân cành nhỏ, rất nhiều khúc gỗ đã bị mục nát
Số gỗ này được tập kết từ quý III năm 2014
Ngoài số cây bị chặt hạ, tại vườn ươm còn có 128 cây hoa sữa, bằng lăng đánh chuyển từ đường Nguyễn Chí Thanh về đây 
Ông Nguyễn Xuân Hanh - Giám đốc xí nghiệp sản xuất cây xanh, hoa, cây cảnh cho biết số cây sau khi được đánh chuyển về đây sẽ được công nhân chăm sóc kỹ lưỡng. Sau khi cây phục hồi, đủ tiêu chuẩn được tái trồng tại công viên, vườn hoa theo quy hoạch. Tuy nhiên, trong số 128 cây chỉ có 70-80% cây có hy vọng tiếp tục sống