GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, ông từng làm ở Ủy ban Đối ngoại trong 3 nhiệm kỳ và có may mắn đi 30 đất nước. Ít có thủ đô nào rộng như Việt Nam. Hà Nội so với thế giới rất đẹp vì có hồ và cây. “Chúng ta mất rất nhiều hồ. Trước đây không bao giờ ngập nhưng do hồ đã bị lấp quá nhiều nên bây giờ cứ mưa là ngập, nội thành có khi ngập lên đến tận bụng. Đó là bài học đau đớn, giờ lại thêm bài học với câu chuyện cây xanh”.

Số cây đã bị đốn hạ là 500, 1.000 hay 2.000?

dung_umuf.jpgGS Nguyễn Lân Dũng
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Hà Nội không quan tâm tới ý kiến của các nhà khoa học là rất khó hiểu. Nếu chặt 6.700 cây, nghĩa là 1/7 số cây xanh của Hà Nội thì bộ mặt của Thủ đô sẽ như thế nào. “Thử tưởng tượng giờ tóc trên đầu tôi bị rụng 1/7, nó sẽ thay đổi bộ mặt của tôi”.

GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông được nghe con số có hơn 1.000 cây bị chặt hạ, trong khi báo cáo của Sở Xây dựng nói rằng chỉ có 500 cây. Thực tế hiện nay không biết chính xác có bao nhiêu cây xanh bị chặt bỏ, vì nếu đi khảo sát trên các đường phố có cây xanh bị đốn hạ, nhiều người hoài nghi con số 500 này.

Luật sư Trần Vũ Hải, đoàn Luật sư Hà Nội cũng dẫn lại số cây xanh bị chặt hạ theo đại tá Nguyễn Như Phong đã nêu trên báo PetroTimes là 2000 cây. Ông cho rằng, bản thân ông cũng không tin con số 500 cây mà sở Xây dựng đã báo cáo. “2000 cây bị chặt theo tôi là có cơ sở. Tôi đếm sơ qua là đường Nguyễn Chí Thanh chặt 400 cây, Nguyễn Trãi 500 cây và các phố Giải Phóng, Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng… đều có gốc cây bị chặt. Nếu mà đúng thật là 2.000 cây bị chặt thì rất nguy hiểm. Tôi đề nghị  cần làm rõ xem có tất cả bao nhiêu cây đã bị chặt hạ”.

Về việc hàng loạt cây xà cừ hai bên đường Nguyễn Trãi bị đốn hạ phục vụ tuyến đường sắt trên cao, luật sư Hải cho rằng, theo luật thì chỉ có cây dưới công trình mới phải chặt, chứ cây bên cạnh như những cây xà cừ ở đường Nguyễn Trãi không được chặt. “Công trình này cũng chưa xong, khoảng 3 năm nữa mới xong, tại sao lại chặt hạ ngay thì thật là khó hiểu?. Về mặt luật pháp hoàn toàn không thấy dựa trên cơ sở nào cả. Vì thế cần xem xét lại vấn đề này”.

Thanh tra cần vào cuộc

Luật sư Trần Vũ Hải nhấn mạnh, Điều 14, Luật Thủ đô về quản lý và bảo vệ môi trường đã quy định:  Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích…

“Theo Luật Thủ đô, thì việc chặt cây xanh chỉ làm khi chẳng đặng đừng thì chỉ có cách là bứng cây ra chỗ khác để trồng chứ không phải chặt phá theo kiểu hiện nay. Đó là ý nghĩa của việc cấm chặt phá”- Luật sư Hải nói.

Luật sư Hải cũng cho biết, Nghị định 64/2010 của Chính phủ là nghị định chuyên biệt về quản lý cây xanh. Theo Nghị định này thì muốn chặt cây phải có giấy phép xin phép chặt đối với từng cây. Nhưng ở đây không hề có giấy phép. “Tôi nghiên cứu mãi cũng không biết lãnh đạo Hà Nội dùng theo Luật gì. Tôi đề nghị cần lập đoàn thanh tra Hà Nội vào cuộc nhưng phải có các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia vào đoàn thanh tra”.

TS. Phạm Đức Bảo
GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, đã đến lúc phải xem xét trách nhiệm của những người làm ra chủ trương chặt bỏ cây xanh. “Cần phải thanh tra vụ việc này, việc thanh tra phải do Thanh tra Chính phủ chủ trì”.

TS. Phạm Đức Bảo, Giảng viên Đại học Hà Nội cũng nhận định, việc chặt cây ở Hà Nội đã vi phạm Luật Thủ đô. “Luật Thủ đô là luật của Quốc hội chứ không phải của riêng Hà Nội. Việc chặt cây xanh đã vi phạm quá rõ điều 14 Luật Thủ đô vì cây xanh của Hà Nội không chỉ là của riêng Hà Nội mà là cây xanh của Việt Nam. Trong việc lập dự án để thay thế cây xanh, Hà Nội đã không đúng quy trình. Đến 20 năm nữa để khôi phục lại cây xanh ở đường Nguyễn Chí Thanh là rất khó”.

Theo TS. Phạm Đức Bảo, về mặt pháp luật có thể khởi tố tội vô trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng vì ở đây là hậu quả rất nghiêm trọng. Chính phủ nên vào cuộc giao Thanh tra Chính phủ giải quyết vì việc này vi phạm Luật Thủ đô./.