1.Mỗi lần về quê vào dịp Tết nguyên đán, tôi đều bồi hồi dừng chân trước cổng nhà một lúc rồi mới bước vào. Mùa ấy, trước cổng nhà đỏ rực màu hoa trạng nguyên, và hoa dâm bụt. Những cành trạng nguyên vươn cao như đón chào. Chiếc cổng cổ cũ kỹ với bức tường loang lổ dấu vết thời gian, cùng những cành hoa sắc đỏ là hình ảnh thân thương quen thuộc khi trở về. Nó quen thuộc tới mức có một đôi lần vì lý do gì đó, cây trạng nguyên không có những cành sắc đỏ vươn cao, tôi cảm thấy như bị thiếu vắng, hụt hẫng.
Có những cái cây, hàng cây người ta trồng, để lấy bóng mát, để làm đẹp, làm duyên cho không gian đô thị, cho công trình kiến trúc. Có những loại cây ở những vị trí đã trở thành hình ảnh điển hình, quen thuộc như cây đa đầu làng, hàng cau trước nhà, cây đại sân chùa... Có những cái cây chẳng biết được trồng, hay tự mọc, mà khéo làm sao trở thành điểm nhấn cảnh quan, là “nhân vật” không thể thiếu trong những không gian, những quần thể kiến trúc, trở thành một phần không thể tách rời, nâng tầm, tôn vinh giá trị không gian - kiến trúc đó. Những cái cây đó, nhiều người nói vui rằng là “cây di sản”, dù chẳng được xếp hạng bao giờ. Và cũng rất khó tưởng tượng nếu công trình đó, nếu không gian đó thiếu vắng những “cây di sản” đó.
Có thể kể ra rất nhiều những ví dụ, dẫn chứng... Hồ Gươm ở Hà Nội sẽ ra sao nếu thiếu những cây lộc vừng? Nhà số 4 phố Lý Nam Đế (Hà Nội - trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội) sẽ ra sao nếu không còn hai gốc cây đại như hai người lính già gác cổng, không còn những thềm hoa trắng? Phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) sẽ ra sao nếu vắng bóng hàng cây sấu già? Cầu Trường Tiền ở Huế sẽ ra sao nếu vắng gốc phượng “huyền thoại” ở chân cầu bờ nam sông Hương?...
Có nhiều khi sự tồn tại của những cái cây, hàng cây đó được coi như một sự mặc nhiên đến bình thường, mà chỉ khi “có vấn đề” thì người ta mới thấy tầm quan trọng. Cách đây mấy năm, “vấn đề” đã xảy ra với cây đa ở cổng làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây); và người ta đã phải đôn đáo huy động bao nhiêu cơ quan ban ngành vào để cứu “cụ đa”. Nhưng cũng không phải tất cả đều êm xuôi, và cây cũng chẳng phải là trường sinh bất tử. Biết bao người đã nuối tiếc khi cây gạo ở Chùa Thầy không còn. Góc nhìn quen thuộc từ trên núi Sài Sơn nhìn xuống hồ nước có thuỷ đình giờ đây không còn những cành hoa gạo tháng ba nữa. Dù người ta có trồng lại, hay trồng cây khác vào những nơi ấy, những chỗ ấy; thì cũng chẳng bao giờ được như nguyên bản nữa; dường như không gian ấy, nơi chốn ấy đã mất linh hồn.
2.Cây là... cây. Nhưng nếu đặt cạnh, đặt cùng kiến trúc hay trong không gian đô thị cây còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Cũng giống như vẽ phối cảnh công trình; cây làm đẹp hơn cho kiến trúc và cũng giấu đi những nhược điểm, khiếm khuyết của kiến trúc. Kiến trúc là không gian, cây với sự thay đổi sinh học của mình qua mùa, qua thời tiết, qua thời gian; cũng làm thay đổi, chuyển hoá không gian kiến trúc – đô thị, làm cho kiến trúc có cả thời gian. Có những cái cây thật đặc biệt, trong không gian đặc biệt, là cây “di sản” như trên đã nói. Nhưng có những cây rất bình thường, không đặc biệt, không phải độc nhất, độc tôn, cũng không to lớn, lại làm nên sắc thái riêng, làm duyên cho kiến trúc, đô thị mà nếu như không có cây, thì kiến trúc và không gian đô thị cũng sẽ giảm nhiều giá trị.
Một trong những nơi mà để lại trong tôi nỗi nhớ, ấy chính là phố cổ Hội An. Phố Hội nhỏ bé, những ngôi nhà, những con phố, vỉa hè nho nhỏ... và những khoảng xanh nho nhỏ. Những khoảng xanh ấy có mặt ở mọi nơi, hài hoà, điểm xuyến cùng nhà, cùng phố; làm duyên kiến trúc. Đi qua phố Hội, có khi chẳng nhớ ngôi nhà, tên cây cụ thể; nhưng những mảng xanh nhỏ bé, duyên dáng ấy thì để lại những ấn tượng dịu dàng khó quên.
Một nơi khác cũng để lại trong tôi nỗi nhớ, ấn tượng về sự gắn kết giữa duyên cây cùng kiến trúc; và cũng không phải với những gốc cây, thân cây quý hiếm, hay đặc biệt, đắc địa, đẹp quyến rũ... Đó là quần thể Biệt thự Cầu Đá ở Nha Trang. 5 ngôi biệt thự mang tên 5 loài cây - hoa: Biệt thự Xương rồng, Bông sứ, Bông giấy, Phượng vỹ, Cây bàng. 5 loài cây - hoa này bình thường và giản dị, nhưng khi trở thành tên cho kiến trúc nó lại thành một giá trị tinh thần đặc biệt. Xung quanh mỗi ngôi biệt thự được trồng nhiều loài cây hoa mà nó mang tên. Người ta có thể sẽ không nhớ vị trí hay hình dáng một thân cây cụ thể nào ở những ngôi biệt thự, nhưng sẽ nhớ những cái tên...
Còn ở thủ đô Hà Nội, những hàng cây trên đường phố đã làm nên một Hà Nội rất riêng. Rất khó tưởng tượng ở những khu phố cũ với kiến trúc Pháp mà vắng bóng cây xanh, Kiến trúc và cây đan xen với nhau, hoà hợp cùng nhau để tạo nên những không gian đô thị đẹp và đầy nhân văn. Ở đó, cây xanh đã trở thành một phần linh hồn đô thị.
Mỗi người có một vùng ký ức hay nỗi nhớ về những không gian, đường phố mà ở đó, cây là tâm điểm. Và cũng là quen thuộc, gần gũi với ngôi nhà, không gian sống của riêng mình, trên đường phố với những nét duyên cây nhỏ bé, khi đi trên đường, khi dừng trước cổng, khi bước vào sân, hay nhìn qua ô cửa.../.
Chùm ảnh những nét duyên cây: