Hiện chính quyền địa phương và người dân tại các địa phương như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh... đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó đảm bảo sức khỏe đặc biệt cho người gìa và trẻ nhỏ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Với độ cao gần 2.000 mét so với mực nước biển, nhiệt độ lúc 11h30 ngày 8/1 tại đỉnh núi Phia Oắc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là -9 độ C. Toàn bộ cây cối trên đỉnh núi thuộc Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén phủ một màu trắng xóa của băng đá. Đây cũng là nơi đặt trạm phát sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiệt độ xuống thấp cùng băng giá, sương muối khiến điều kiện sinh hoạt của những cư dân trên đỉnh núi này gặp nhiều khó khăn.
Anh Cam Đức Thông, Kỹ thuật viên Đài PT – TH tỉnh Cao Bằng trực phát sóng trên đỉnh Phia Oắc lo lắng nếu băng tuyết còn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến thiết bị đầu thu ở ngoài trời và đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt cho các cán bộ trực phát sóng tại đây.
“Ở đây băng giá đang trắng xóa hết núi đồi rồi. Ghi nhận được hiện tại là -9 độ và chúng tôi dự tính sẽ còn giảm sâu xuống nữa. Những máy móc, thiết bị phát sóng ở trong tòa nhà trong phòng máy thì không có vấn đề gì, nhưng những thiết bị đầu thu ở ngoài trời tôi e rằng băng tuyết sẽ làm ảnh hưởng tới tín hiệu phát sóng. Hiện tại thì nước sinh hoạt hàng ngày, quá trình đi lại, ăn uống ngủ nghỉ của anh em sinh sống tại trạm cũng gặp nhiều khó khăn”, anh Thông cho hay.
Tại Khu du lịch Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), băng giá xuất hiện ở đây từ khoảng 3 giờ sáng (8/1), nhiệt độ ghi nhận được là -1,4 độ C, dự báo trong những ngày tới sẽ xuất hiện mưa kèm băng tuyết. Những nụ đào nở sớm ở Mẫu Sơn bọc một lớp băng. Nhiều khách du lịch từ các địa phương đã đổ về đây để chiêm ngưỡng khung cảnh băng giá phủ trắng núi đồi.
Do nhiệt độ tại nhiều vùng xuống dưới 10 độ C, các địa phương như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hải Phòng, Hải Dương đã chủ động cho học sinh nghỉ học tránh rét. Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng, hiện địa phương này có hơn 500 trường học, hơn 800 điểm trường lẻ và đến thời điểm này, vẫn còn một số điểm trường có các phòng học tạm. Để hạn chế giá rét ảnh hưởng xấu đến sức khỏe giáo viên và học sinh, Sở GD-ĐT Cao Bằng đã yêu cầu các địa phương hỗ trợ sửa sang trường lớp và các trường chủ động bố trí giờ học phù hợp theo diễn biến thời tiết, đồng thời xem xét tổ chức bán trú cho học sinh.
Nhiều trường đã chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe. Tại tỉnh Bắc Kạn nhiệt độ trong ngày cũng nghi nhận được dưới 7 độ C, học sinh mầm non, tiểu học và THCS được nghỉ học. Tuy nhiên ở một số nơi, do nhu cầu của phụ huynh vẫn muốn gửi các con đến trường, nên nhiều nhà trường đã phải lên phương án, bố trí để đảm bảo được sức khỏe cho học sinh.
Bà Hoàng Thị Hiển, Hiệu trưởng trường Mầm non Phúc Lộc, xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho biết, mùa đông ở đây rất lạnh, đặc biệt có sương muối và gió rất to, cái nhà bạt hôm qua vừa dựng, hôm nay đã bị thổi bay.
“Có gia đình bận công việc họ vẫn gửi con em đến trường thì các cô giáo vẫn phải đến trường để chăm sóc các cháu. Các cô cũng nhắc nhở phụ huynh phải mặc ấm cho các con, đi tất, quàng khăn, đội mũ trong suốt quá trình di chuyển từ nhà đến trường. Trong quá trình các cháu ở trường thì chúng tôi cũng lên phương án để các cháu ở trong lớp không ra ngoài trời”, bà Hiền nói.
Tại tỉnh Quảng Ninh, công tác phòng tránh rét, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, đặc biệt là học sinh bán trú, nội trú ở các khu vực vùng cao cũng hết sức được chú trọng.
Thầy Nguyễn Hữu Phượng, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Đồn Đạc 2, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đầu tiên chúng tôi sẽ chuẩn bị đủ chăn ấm cho các em ăn bán trú tại trường. Thứ hai chúng tôi sẽ chuẩn bị bữa ăn đủ dinh dưỡng cho mùa đông, chuẩn bị bình nước nóng, có nước nóng liên tục để các em sử dụng hàng ngày. Đó là các biện pháp cơ bản nhất nhà trường đã chuẩn bị để ứng phó với điều kiện thời tiết hiện tại”./.