Hôm nay (16/5) tại Thủ đô Vientiane-Lào, Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 24 (ALMM-24), Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3 lần thứ 9 đã kết thúc thành công.
Thông cáo chung của Hội nghị cho biết: việc tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động của Cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2016 về lĩnh vực lao động, trong đó vấn đề di cư lao động có tay nghề là một trong 4 ưu tiên mà các nước ASEAN đã thống nhất, đó là sẽ có sự chuyển dịch lao động không giới hạn hay di cư lao động tự do.
Tại Hội nghị các Bộ trưởng đã đề ra những biện pháp nhằm hiện thực hóa Chủ đề “Chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững” của Hội nghị lần này, đó là: Tăng cường các chính sách và chương trình phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy chất lượng của giáo dục nghề nghiệp phát triển kỹ năng và học tập suốt đời, đặc biệt là đối với những người ở khu vực nông thôn; Tiến hành nghiên cứu về các điển hình tốt nhất trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; Chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên ASEAN về các điển hình tốt; Tăng cường các chính sách, chương trình khuyến khích hợp tác và phối hợp với các doanh nghiệp, lao động làm việc tự thân; Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động trong việc hỗ trợ chuyển đổi.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Việc chuyển dịch lao động Việt Nam hiện nay đang diễn ra rất mạnh và cũng không phải riêng Việt Nam mà nhiều nước. Tôi cho rằng tuyên bố chung của Hội nghị lần này cũng như cam kết của các nước ASEAN tại Hội nghị lần này sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam rất nhiều. Đặc biệt là đối với những thị trường, những ngành nghề, những lĩnh vực thuộc về lợi thế của người Việt Nam chúng ta nhất là các nước ASEAN và ASEAN + 3. Và tôi cũng nghĩ rằng nếu như theo cam kết này mà chúng ta thực thi được thì chúng ta đến năm 2020 chúng ta sẽ giải quyết thêm khoảng 6 triệu việc làm thì tôi nghĩ rằng đây là một cái lợi thế rất lớn nhưng cái quan trọng hơn là chúng ta góp phần tạo một sự chia sẻ, sự hỗ trợ, sự tương tác lẫn nhau những lợi thế ở nước này sẽ cung cấp cho nước khác và ngược lại chúng ta cũng được đón nhận những lợi thế từ các nước khác.”
Theo các đại biểu, việc di chuyển lao động trong ASEAN là một xu thế tất yếu và việc di chuyển này đã được thực hiện từ lâu. Di chuyển lao động trong ASEAN hiện chủ yếu là lao động phổ thông, tuy nhiên họ đã có đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội ở cả nước phái cử và tiếp nhận lao động. Do đó, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã được các nước thành viên ASEAN hết sức quan tâm, thể hiện trong việc xây dựng Tuyên bố CEBU về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư cũng như việc thực hiện các diễn đàn, các Hội nghị về lao động di cư thường niên nhằm chia sẻ thông tin về việc bảo vệ quyền của người lao động di cư cũng như trao đổi thông tin về việc quản lý người lao động di cư...
Ông Sirichai Distakul- Bộ trưởng Bộ Lao động Thái lan cho biết: Hiện ASEAN đã ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về 8 lĩnh vực ngành nghề tuy nhiên số lượng việc làm trong 8 lĩnh vực ngành nghề chỉ chiếm dưới 1,4% trong tổng lực lượng lao động.
ASEAN cũng đang hướng tới mở rộng dịch chuyển của lao động có kỹ năng ở bậc thấp hơn thông qua công nhận lẫn nhau.
“Việc này cần phải nói rằng chính phủ Thái Lan rất chú trọng đối với lao động phi chính thức. Vì nói đến số lượng thì lao động phi chính thức, nếu tính theo phần trăm lao động của nước Thái thì chiếm tới hơn nửa của lao đông chính thức, nên thu nhập mang lại cho chính phủ nhiều hơn. Vì thế nên chúng tôi phải quản lý lao động phi chính thức để so sánh được với lao động chính thức. Hiện nay, cần phải nói rằng đây là cơ hội tốt để chúng ta hợp tác với nhau, hợp tác với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam không chỉ có thuê lao động mà còn hợp tác trong lĩnh vực trao đổi hiểu biết, kinh nghiệm các vấn đề khác nữa.”
Tại Hội nghị Bộ trưởng lao động ASEAN lần thứ 24, các đại biểu tập trung thảo luận chủ yếu vào các vấn đề cơ bản như: trao đổi thông tin về thị trường lao động, trao đổi những kinh nghiệm về tổ chức xây dựng luật pháp, đảm bảo an sinh xã hội đối với người lao động. Hội nghị cũng đã thảo luận và tập trung giới thiệu những kinh nghiệm, những điển hình hiệu quả trong quá trình chuyển dịch lao động. Các đại biểu cũng tìm ra những khác biệt để từ đó tạo sự thống nhất giữa các nước, tiến tới hoàn thiện bổ sung và nâng cao hơn nữa tuyên bố CEBU. Đồng thời tại Hội nghị, các Bộ trưởng cũng thảo luận về xây dựng chủ trương thúc đẩy tiến trình chuyển dịch lao động phi chính thức sang chính thức nhằm đảm bảo lợi ích cũng như đánh giá cao hiệu quả và những đóng góp của những người lao động phi chính thức.
Bộ trưởng lao động các nước ASEAN cho rằng: điều quan trọng nhất là các nước ASEAN đã có tiếng nói thống nhất trong việc cùng nhau chia sẻ, cùng nhau phối hợp, phấn đấu xây dựng một ASEAN năng động và phát triển./.