Tổng số sinh viên cả nước hiện nay có khoảng 2.204.000 (tăng 143% so với năm 2008), đạt tỷ lệ khoảng 250 sinh viên/1 vạn dân. Trong đó: sinh viên đại học chiếm 66%, sinh viên cao đẳng chiếm 34%; nữ sinh chiếm 49,6%; số sinh viên học tập tại các trường công lập chiếm 85%, các trường ngoài công lập chiếm khoảng 15% tổng số sinh viên; sinh viên hệ chính quy là 1.962.000. Ngoài ra, có khoảng 80.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại Đại Hội địa biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ IX, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương đoàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam nhận định, nhìn chung sinh viên có năng lực tiếp thu tri thức tốt, được đào tạo cơ bản, là lực lượng chính bổ sung cho đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

sv-3.jpg

Những năm gần đây, do thay đổi trong chính sách giáo dục, đào tạo và dạy nghề, số lượng sinh viên Việt Nam đã không ngừng tăng lên và có sự thay đổi khá nhanh về cơ cấu.

Sinh viên ngày càng chủ động, mạnh dạn, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, tiếp cận nhanh với tri thức khoa học của thế giới, phương pháp, phương tiện học tập, nghiên cứu khoa học hiện đại. Bên cạnh học tập, nghiên cứu lý thuyết, sinh viên đã tích cực liên hệ thực tiễn, sáng tạo những sản phẩm khoa học, công nghệ thiết thực; ứng dụng kiến thức vào thực tế.
Ông Lê Quốc Phong cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong sinh viên và công tác sinh viên hiện nay như: công tác quản lý sinh viên ngoài giờ lên lớp ở một số trường bị thả nổi, một số ít sinh viên còn thờ ơ về chính trị, sống thực dụng, chạy theo những trào lưu, xu hướng lệch lạc, mắc vào các tệ nạn xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật, bị lợi dụng, lôi kéo vào những hoạt động của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, không ít sinh viên chưa xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn, dẫn đến thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện, kỹ năng mềm chưa tốt, ảnh hưởng đến năng lực làm việc khi ra trường./.