Chiều 5/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp kiểm tra hoạt động vận tải, ATGT, công tác phòng, chống dịch Covid-19 dịp Tết Nguyên đán 2021 tại một số bến xe, nhà ga trên địa bàn Hà Nội.

Kiểm tra tại Bến xe Giáp Bát, ông Nguyễn Văn Thể đặc biệt lưu ý công tác niêm yết thông tin, hướng dẫn phòng dịch, các khu cách ly tạm thời, vật tư, thiết bị phòng, dịch của bến xe chuẩn bị để phục vụ hành khách.

"Cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19 dịp cao điểm Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp vận tải cũng phải tăng cường kiểm soát, yêu cầu tài xế không được sử dụng rượu, bia trước khi lái xe để đảm bảo ATGT, phục vụ người dân những chuyến đi về quê đón Tết thuận lợi", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Bên cạnh việc kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 tại chỗ, người đứng đầu ngành GTVT cũng kiểm tra đột xuất công tác phòng dịch trên nhiều phương tiện vận tải, từ xe khách đến xe buýt; từ việc thực hiện khai báo y tế đến việc khai báo y tế của hành khách sau khi lên xe.

Kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại ga Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT lưu ý một số tồn tại trong công tác phòng dịch như: hành khách xếp hàng mua vé chưa đảm bảo vị trí giãn cách đã được đánh dấu; Thông tin hướng dẫn phòng dịch chưa được niêm yết song ngữ để tuyên truyền rộng rãi đến một bộ phận người nước ngoài di chuyển bằng tàu hỏa,…

"Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan cần khẩn trương khắc phục, đảm bảo công tác phòng dịch tại nhà ga đạt hiệu quả cao nhất", Bộ trưởng chỉ đạo.

Tại ga Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trực tiếp lên tàu kiểm tra công tác phòng dịch và sự chấp hành của hành khách.

Ông Nguyễn Văn Thể đánh giá, hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại bến xe, nhà ga tại Hà Nội được thực hiện tương đối tốt. Hầu hết các nơi được kiểm tra đều đã đảm bảo đầy đủ vật tư, thiết bị phòng dịch; 100% hành khách đã thực hiện đeo khẩu trang đúng quy định. Phòng cách ly cũng đã được chuẩn bị nhằm tránh sự lây lan trong cộng đồng khi phát hiện hành khách có biểu hiện nhiễm dịch.

“Tuy nhiên, hiện, việc giám sát thân nhiệt tại bến xe, nhà ga chủ yếu được thực hiện bằng thiết bị thủ công, khó có thể kiểm sóat được 100% hành khách qua bến. Vì vậy, đơn vị quản lý bến, nhà ga cần nghiên cứu đầu tư thiết bị đo thân nhiệt tự động để nâng cao hơn nữa công tác kiểm soát dịch, phát hiện sớm và kịp thời những trường hợp có biểu hiện nhiễm dịch”, Bộ trưởng nói.

Xác định thời gian cao điểm Tết năm 2021 hành khách di chuyển từ Hà Nội về các địa phương sẽ tăng cao, Bộ trưởng yêu cầu các bến xe tăng cường các phòng ban, lãnh đạo thường xuyên kiểm tra nhắc nhở hành khách, cá nhân đi vào khu vực bến xe không chấp hành các nguyên tắc chống dịch.

Bến xe có thể quá tải cục bộ do đường sắt "ế ẩm"

Báo cáo tình hình vận tải khách dịp Tết Nguyên đán 2021, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, đối với các bến xe vận tải khách liên tỉnh, nhận định, do diễn biến phức tạp mới của bệnh dịch, hành khách đã chủ động hạn chế đi lại nên lượng khách qua bến giảm mạnh.

Ông Toàn cho biết, qua kết quả phục vụ kỳ cao điểm trước 23 tháng Chạp, Công ty nhận định lượng khách từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có xu hướng giảm và chỉ tăng vào các ngày 27, 28, 29 Tết (tăng khoảng 130% so với ngày thường).

“Với năng lực vận chuyển của các phương tiện vận tải trong chuyến hiện có về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Vào các ngày cao điểm có thể xảy ra ùn cục bộ từng thời điểm trên một số tuyến như: Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang,…

Do đó, Công ty đã phối hợp cùng các đơn vị vận tải bố trí hơn 2.000 lượt xe dự phòng tăng cường để giải quyết khi lượng khách tăng vượt năng lực vận tải trong chuyến”, ông Toàn thông tin.

Còn với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 bùng phát lại tại một số địa phương vào dịp cận Tết khiến lượng hành khách di chuyển bằng tàu hỏa giảm mạnh. Sản lượng hành khách trên những chuyến tàu sức chở 500 hành khách giờ đây chỉ khoảng 30%.

“Đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hành khách đã đặt vé đột ngột hoãn chuyến đi/đổi vé. Hiện tại, trong 200.000 vé bán ra đã có khoảng 50% hành khách đề nghị hoàn trả vé.

Trước tình trạng đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đưa ra chính sách kịp thời. Trường hợp có nhu cầu hoãn chuyển đi/đổi vé, các vé sẽ được bảo lưu 1 năm. Trong thời gian này, hành khách có thể đổi chuyến/hành trình hoặc đổi tên cho người khác đi. Trường hợp hành khách muốn trả lại vé, đơn vị vẫn thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho hành khách”, ông Minh nói./.