Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc một cháu bé hai tuổi rưỡi (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Viện VSDTTƯ) tiêm Vaccine quá hạn sử dụng. Tuy nhiên, khi mẹ cháu bé phát hiện ra sự việc và hỏi y tá, thì nhân viên y tế này lại thản nhiên trả lời rằng trên vỏ bao dù đã hết hạn sử dụng thì 1-2 tháng sau vẫn… tiêm được bình thường(!?).

Sau đó, trong buổi làm việc với báo chí và gia đình cháu bé, một vị lãnh đạo của Viện VSDTTƯ lại khẳng định “như đinh đóng cột” rằng, thời hạn dùng thuốc vẫn còn. Rất may là cuối cùng, ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện VSDTTƯ đã nhận lỗi và cho rằng, đây là một nhầm lẫn đáng tiếc. 4 cháu bé khác cũng cùng chung cảnh ngộ khi bị nhân viên y tế tiêm “nhầm” loại Vaccine hết hạn này.

Và đây cũng không phải lần đầu người ta phải giật mình vì những “nhầm lẫn” như vậy của ngành y tế.

Cách đây không lâu, nhiều người đã “phát hoảng” khi nghe tin, một bệnh nhân tên là Hứa Cẩm Tú ở Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ khi mổ thận trái đã bị bác sỹ cắt mất thận phải. Đáng chú ý, vị bác sỹ thực hiện ca mổ lại là một người được cho là có uy tín, chuyên môn cao trong lĩnh vực niệu khoa.

chi-Tu.jpg

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe chị Tú, người bị cắt nhầm thận (Ảnh: CAND)

Người bệnh bỗng trở thành “nạn nhân” này hiện đang phải chạy thận nhân tạo, mất khả năng lao động và chờ đợi để được tiến hành ghép thận. Lý giải về “sự cố” này, vị bác sỹ cho rằng thận chị Tú thuộc dạng móng ngựa, thần kinh chằng chịt, khó cầm máu nên kíp mổ mới… cắt luôn quả thận còn lại. Tuy nhiên, sau “sự cố” ấy, ông cũng chỉ chịu hình thức kỷ luật… cảnh cáo!

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, một bệnh nhân được bác sỹ mổ nội soi lấy sỏi thận, khi mổ thấy máu chảy quá nhiều, bác sỹ lúng túng, mất bình tĩnh nên thay vì cột mạch máu để cầm máu cho bệnh nhân, lại thắt nhầm… ống niệu quản.

Còn những “sự cố” khác như quên ống thông, quên gạc… trong bụng bệnh nhân sau phẫu thuật thì nhiều đến nỗi có người phải thốt lên rằng đây là “hội chứng” thường gặp của các bác sỹ.

Sự nhầm lẫn bao giờ cũng đáng trách, nhưng ở đây, ngoài những thiếu sót, yếu kém về chuyên môn, còn là sự bất cẩn, tắc trách, thậm chí là vô trách nhiệm, đáng lên án. Sự thờ ơ đến vô trách nhiệm thể hiện trong hành vi không tuân thủ những quy trình của việc tiêm chủng, trong câu trả lời ngây ngô đến khó tin của nhân viên y tế đã được đào tạo bài bản và được cấp chứng chỉ hành nghề khi nói rằng vaccine hết hạn vẫn có thể sử dụng.

Đó còn là sự bất cẩn đáng lên án của vị bác sỹ khi cắt đi quả thận lành lặn, song lại tự viện dẫn bởi một lý do không hề thuyết phục… Đó là những nhầm lẫn đáng lên án bởi khi đã cầm trên tay một mũi tiêm, một liều thuốc, hay một mũi dao… thì không thể và không được phép có chỗ cho những thái độ dửng dưng hay tắc trách.

Bởi một thực tế rằng, con dao trên tay bác sỹ là con dao 2 lưỡi. Nó có thể cứu sống một con người, nhưng rất có thể, cũng sẽ cướp đi sinh mạng của một con người. Vậy thì tại sao chuyện “nhầm” trong ngành y lại đang bị coi đã thành “bệnh”?

Trong nhiều nguyên nhân, chính sự né tránh, bao biện, không nghiêm khắc với chính mình của cán bộ, nhân viên y tế là một nguyên nhân quan trọng. Vụ mổ thận trái rồi cắt luôn cả quả thận phải mà chỉ xử lý bằng hình thức kỷ luật cảnh cáo rõ ràng không đủ sức răn đe với những hành vi liên quan đến sinh mạng của một con người.

Bệnh trọng lại được kê đơn bằng những liều thuốc quá nhẹ, không đủ sức công phạt, tất dẫn tới nguy cơ “nhờn” thuốc. Vậy nên, cùng với cuộc cách mạng “Nói không với phong bì”, ngành y nên có cuộc cách mạng “Nói không với sự bất cẩn, tắc trách”.

Chính cuộc cách mạng này sẽ góp phần giúp ngành y tạo thêm sự đồng thuận trong xã hội trong bối cảnh Chính phủ đã đồng ý để liên Bộ Y tế - Tài chính - LĐTB&XH và BHXH tăng giá hơn 400 dịch vụ y tế trong năm nay./.