Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Nam vừa kiểm tra đột xuất hoạt động của Công ty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 tại thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

qn6_vov_kqul.jpg

Các đối tượng khai thác vàng trái phép lập lán trại, ăn ngủ trong rừng.

Qua đó, lực lượng chức năng bắt quả tang Công ty này đang hoạt động vận chuyển, chế biến quặng thải từ đập thải số 3 của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Khai thác vàng Bồng Miêu, dù Công ty chưa được phép hoạt động.

Theo trình bày của lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666, hoạt động tận thu, vận chuyển, chế biến khoáng sản từ quặng thải của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu bắt đầu từ ngày 3/3 vừa qua.

Chính quyền tỉnh Quảng Nam nhiều lần đề nghị đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục.

Doanh nghiệp này sử dụng 1 máy bơm để bơm quặng thải từ đập số 3 về trạm trung chuyển. Sau đó, sử dụng 2 máy bơm tiến hành bơm quặng lên nhà máy tuyển nổi để tuyển quặng. Tại nhà máy tuyển nổi có 16 bể khuấy để tuyển nổi phần quặng có chứa quặng (chì). Sản phẩm quặng chì hiện có tại nhà máy khoảng 10 m3.

Khối lượng quặng thải tập kết tại đập thải của công ty khoảng 1.000 m3. Ngoài ra, có một tổ công nhân đang tiến hành ngâm ủ quặng tại 5 bể, mỗi bể có chứa 15m3 quặng để tuyển lấy vàng.

Cửa hầm bỏ lâu ngày, nguy cơ sập đè chết người.

Khu vực bãi đập thải do Công ty tự xây dựng từ cuối năm 2017, có lót bạt chống thấm để chứa quặng thải từ quá trình tuyển nổi quặng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại trạm trung chuyển quặng của Công ty có phát sinh nước thải ra khu vực suối Trang. Tổ công tác tiến hành lấy một mẫu nước thải này để phân tích, đánh giá.

Sai phạm đã rõ nhưng ông Trương Quốc Sỹ, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 vẫn một mực cho rằng, doanh nghiệp không hề hoạt động mà chỉ khởi động máy để bảo dưỡng máy móc định kỳ.

“Hoạt động bên trong là không có. Về chu kỳ 10 ngày bắt buộc phải bảo dưỡng máy móc, khởi động máy lên bảo dưỡng 2 ngày lại dừng, chứ còn sản xuất thì cũng không có sản xuất gì, sản xuất cũng thua lỗ. Xái quặng người ta đổ đi rồi chỉ tận thu lấy được ít chì còn vàng thì Công ty vàng Bồng Miêu họ lấy hết rồi”, ông Sỹ phân bua.

Đường ống xả thải của Công ty 6666 xả thẳng ra môi trường1.

Trước đó, như Đài Tiếng nói Việt Nam đã phản ánh, hơn 2 năm qua kể từ khi Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu, thuộc Tập đoàn Besra hết thời hạn được phép hoạt động, khu vực rộng lớn hàng chục héc ta ở thôn Bồng Miêu trở thành “đại bản doanh” của các đối tượng khai thác vàng trái phép. Các dụng cụ tuyển lọc, đào đãi vàng hiện còn trong nhà dân.

Dòng sông chảy qua khu vực Bồng Miêu, Tiên Phước, sông Trạm, Quế Phương… đục ngầu, bị ô nhiễm bởi các hóa chất dùng để lắng lọc vàng. Cá chết, nguồn thủy sinh có dấu hiệu cạn kiệt, người dân địa phương lo lắng về chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

Vùng giáp ranh xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh và xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước trở thành nơi hàng trăm người từ khắp nơi đến đây đào, khoét sâu vào lòng đất để lấy quặng vàng.

Ông Nguyễn Phi Thạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết: Huyện phải chịu trách nhiệm quản lý an ninh trật tự của 1 khu vực khá lớn, rất là phức tạp. Chính việc quản lý không tốt của Công ty Vàng Bồng Miêu trước đây đã để lại hệ lụy.

“Hiện nay một số đối tượng khai thác vàng trái phép, chúng tôi truy quét liên tục nhưng không phải là vấn đề đơn giản. Để xử lý vấn đề này, các cấp chính quyền Trung ương, tỉnh thực hiện ngay việc đóng cửa mỏ của Công ty Vàng Bồng Miêu. Đồng thời, mỏ vàng Bồng Miêu phải có chủ, nếu không có chủ thì với thực lực của chúng tôi quản lý cả một vùng rộng lớn đó gặp rất nhiều khó khăn”, ông Thạnh nêu rõ./.