Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại nhiều địa phương trong cả nước khiến hàng nghìn trẻ em ở điểm nóng dịch bệnh phải đi cách ly tập trung mà không có người thân, gia đình đi cùng và con số này tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Bên cạnh các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và phải tự lập trong cuộc sống hàng ngày, các em còn có nguy cơ cao bị sang chấn, khủng hoảng tâm lý, thậm chí bị dụ dỗ, xâm hại, đòi hỏi cần có thêm nhiều biện pháp để bảo vệ và đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các khu cách ly.
Mới đây nhất, tại một Khu cách ly tập trung ở tỉnh Bạc Liêu, một cháu bé sinh năm 2008 bị một đối tượng sinh năm 2002 dụ dỗ quan hệ tình dục trong nhà vệ sinh. Vụ việc đã được phát hiện kịp thời và được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, sự việc cũng cho thấy, trẻ em là đối tượng F0, F1 đi cách ly tập trung không có gia đình bên cạnh có nguy cơ như bị xâm hại tình dục, gây sang chấn, khủng hoảng tâm lý.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thu Hiền, có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tình trạng cách ly có tương quan với bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên. Đây là lứa tuổi nhạy cảm cả về sự phát triển và tâm lý nên việc trang bị kiến thức cho lứa tuổi này rất quan trọng. Mặc dù các tổ chức liên quan đến người cách ly đều được tập huấn về công tác phòng chống xâm hại trẻ em trong khu vực này nhưng trẻ không có người thân bên cạnh làm giảm đi những yếu tố bảo vệ. Điều này đòi hỏi, trước khi trẻ bị đưa đi cách ly, cha mẹ, người thân phải trang bị kiến thức cho các em tránh được những nguy cơ:
“Cha mẹ có thể giáo dục cho những nhóm trẻ lớn hơn, đó là trẻ vị thành niên, ngoài những dấu hiệu các bạn đã được học từ nhỏ, các em phải biết kiểm soát vấn đề hành vi và kiểm soát các vấn đề về tâm lý. Có thể do căng thẳng quá, có thể muốn cảm giác được che chở cũng là gia tăng nguy cơ. Do đó, việc nhận diện những hành vi nguy cơ, biết trước những hành vi nguy cơ có thể xảy ra trong khu cách ly, đó là có thể bị lợi dụng, bị lạm dụng, có thể bị xâm hại tình dục, tâm thế đó sẽ giúp cho các em cảnh giác hơn”, chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hiền nói.
Việc trẻ em ở trong khu cách ly phải trải qua những căng thẳng do thay đổi sinh hoạt hằng ngày, sang chấn do người trong gia đình rơi vào đối tượng F0 hoặc tử vong, đều là những yếu tố làm gia tăng lo âu, ám ảnh liên quan đến dịch bệnh. Chính vì vậy, các em cần được chăm sóc kịp thời bởi những người có chuyên môn trong trường hợp cần thiết, trong không gian an toàn. Việc tham vấn hay trị liệu tâm lý có thể được điều trị song song khi các em ở trong khu cách ly.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết thêm: “Việc nhận diện là vô cùng quan trọng. Chúng ta thấy sự gia tăng sự xuất hiện hành vi không phù hợp như có thể bỏ ăn, bỏ tắm, có thể không giao tiếp với mọi người hoặc nghiêm trọng hơn, các em có thể có những hành vi mang tính hướng ngoại như tính phá luật và gây hấn nhiều hơn. Về mặt cảm xúc thì dễ hung hăng và dễ buồn. Cảm xúc đó của các em giống như con lắc, nó lắc qua, lắc lại theo tốc độ nhanh và tần suất rất nhiều, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát được và các em phải được chăm sóc kịp thời bởi các nhà chuyên môn”.
Đến nay Bộ Lao động. Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành nhiều văn bản tăng cường đảm bảo an toàn cho trẻ em trong khu cách ly cũng như trong quá trình giãn cách xã hội… Đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc bị các vấn đề về sang chấn tâm thần cũng đã có các quy định cụ thể về các trường hợp cần can thiệp; quy định trách nhiệm của cơ sở tập trung.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, các khu cách ly có trẻ em cần thường xuyên liên hệ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được hướng dẫn, tư vấn về: An toàn cho trẻ em; chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội; hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp để bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em.
“Cơ sở cách ly tập trung cần phải phối hợp với các cơ quan có liên quan như UBND xã, cán bộ bảo vệ trẻ em, cơ quan công an, cơ quan y tế trong hỗ trợ can thiệp cho trẻ. Trong quá trình hỗ trợ cho trẻ thì chúng ta phải lưu ý việc làm thế nào để phát hiện các nhu cầu của trẻ để hỗ trợ. Ví dụ liên quan đến hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ, liên quan đến những tổn thương về thể chất thì phải có sự vào cuộc của cơ quan y tế khám chữa đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Đối với các trường hợp, các thông tin tố giác, thông báo liên quan đến tội phạm về hành vi xâm hại trẻ thì sẽ được tiếp tục xử lý theo Luật tố tụng hình sự”, bà Vũ Thị Kim Hoa khuyến nghị.
Để bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em tại các khu cách ly tập trung không có người thân đi cùng, Cục Trẻ em cũng yêu cầu các địa phương cần thường xuyên thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em ảnh hưởng bởi COVID-19. Trường hợp khẩn cấp liên quan đến đối tượng trẻ em cần thông tin ngay cho các cấp, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và Cục Trẻ em để có giải pháp xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời./.