Mại dâm và quan hệ tình dục không an toàn là nguy cơ lớn nhất gây lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Năm 2013, trong số người phát hiện nhiễm HIV có tới 45% do lây truyền qua đường tình dục, chiếm tỷ lệ cao nhất. Số người lây truyền qua đường máu trước đây là cao nhất thì nay đã lùi xuống vị trí thứ hai, chiếm trên 42%.
Bị kỳ thị, khinh miệt, người bán dâm luôn giấu giếm thân phận, bệnh tật (Ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Theo TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, lây nhiễm HIV qua đường tình dục không chỉ gia tăng mà dường như rất khó kiểm soát. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội và Bộ Công an, cho dù đã nỗ lực kiểm soát nhưng số người tham gia vào hoạt động mại dâm năm sau vẫn cao hơn năm trước. Bà Hồng cho rằng, đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế này một cách nghiêm túc, thực dụng hơn nữa để giải quyết câu chuyện này hiệu quả hơn.
Bà Hồng cho rằng, thực tế, các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục rất khó triển khai. Bác sĩ Hồ Mai Hoa - Giảng viên quốc gia Chương trình sức khỏe sinh sản lại cho rằng, dường như xã hội đang bó tay với các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như lây truyền HIV qua đường tình dục bởi chưa có biện pháp quản lý hoạt động này cũng như quản lý những đối tượng nguy cơ có thể làm lây truyền HIV qua đường tình dục.
“Tuy nhiên, để hạn chế việc lây nhiễm cũng như triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ nhóm phụ nữ “lao động tình dục”, điểm mấu chốt nằm ở chỗ cần thay đổi cách nhìn nhận đối với hoạt động mại dâm vốn không được pháp luật thừa nhận”, TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, mại dâm là một thực tế đau lòng đã tồn tại từ rất lâu. Phong tục tập quán Á Đông và những chuẩn mực đạo đức truyền thống của người Việt Nam vẫn coi mại dâm là một tệ nạn xã hội. Những đối tượng lao động tình dục bị coi thường, khinh bỉ, bị xem như nhóm ngoài lề xã hội, sự kỳ thị khiến người bán dâm luôn giấu mình.
TS Khuất Thu Hồng chia sẻ, do tính chất công việc, bà đã có dịp tiếp cận với các đối tượng lao động tình dục nhưng rất khó khăn. Họ sợ bị bắt, bị phạt và kỳ thị nên e ngại lộ diện dù họ biết tiếp cận với các chương trình, dự án họ sẽ có nhiều lợi ích, được cung cấp các phương tiện bảo vệ an toàn, được cung cấp kiến thức để giúp phòng tránh lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; được hỗ trợ vay vốn sản xuất để có thể từ bỏ công việc mà họ vẫn làm; họ được kết nối với nhau và cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tránh được bạo lực từ phía khách hàng…
“Khi tiếp cận được, cung cấp cho họ những kiến thức, kỹ năng để họ có thể phòng tránh thì việc thực hiện cũng không dễ dàng bởi mang theo bao cao su trong người có thể là bằng chứng khiến họ bị bắt, bị phạt. Rất nhiều chị em tâm sự khi biết có bệnh, họ không dám đến cơ sở y tế, thường tự uống thuốc ở nhà và chỉ đến cơ sở y tế khi bệnh đã quá nặng”, bà Hồng cho biết.
Bà Hồng cũng dẫn tâm sự của một người bán dâm, cho thấy trở ngại đầu tiên của các lao động tình dục là họ không có tiền để đến cơ sở y tế trong trường hợp phải điều trị. Trở ngại thứ hai là thời gian, nên thay vì đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh, họ chọn phương án kiếm tiền; thứ ba, tâm lý e ngại mình có được đối xử bình đẳng như những người bình thường khác khi đến cơ sở y tế.
Có nên thay đổi cách nhìn với mại dâm
Nỗi sợ hãi bị phát giác, bị coi thường và bị phán xét khiến đa phần chị em giấu giếm thân phận, không muốn tiếp cận với các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe. Điều đó đồng nghĩa với hậu quả bệnh tật và nguy cơ lây truyền HIV không chỉ rình rập những người như họ. Để góp phần giải quyết tình trạng này, theo bác sĩ Hồ Mai Hoa, xã hội nên có thái độ tích cực hơn với hoạt động mại dâm và có giải pháp để giảm nguy cơ lây nhiễm cho xã hội cũng như những người tham gia hoạt động tình dục.
Bác sĩ Hồ Mai Hoa cho rằng, nếu làm được như vậy những người hoạt động có nguy cơ lây nhiễm sẽ dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế, sẵn sàng bộc lộ khi họ phát hiện những dấu hiệu không bình thường trong cơ thể hay sẵn sàng thực hiện phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Làm được như thế, ít nhất chúng ta có thể bảo vệ bản thân họ và cho cả khách hàng cũng như những đối tượng tham gia vào hoạt động này và những người liên quan.
Tuy nhiên, có nên công nhận mại dâm hay không vẫn còn là vấn đề nan giải và sẽ còn rất nhiều tranh luận. Thực tế, các chị em làm công việc này xuất phát từ nhiều hoàn cảnh sống khác nhau, có người bị bạo hành gia đình, có người bị mồ côi hay hạnh phúc gia đình tan vỡ, bị lạm dụng tình dục… họ thấy chán đời, sống buông thả. Khi đã lao vào con đường này, có thể thấy rằng đa phần họ cũng là những người có rất ít cơ hội lựa chọn nghề nghiệp khác để kiếm kế sinh nhai. Nhìn nhận thực tế đó để xã hội có cái nhìn đỡ khắt khe hơn, có thể rộng lòng hơn với họ.
Bác sĩ Hồ Mai Hoa cho rằng, nếu như chị em vẫn cứ hoạt động lén lút như vậy, thì việc lây truyền các bệnh giữa người này người kia sẽ ngày càng lan rộng, ảnh hưởng tới vấn đề điều trị vô sinh, làm tăng bệnh lây truyền qua đường tình dục, đại dịch HIV/AIDS. Có lẽ cần có sự thay đổi, cán bộ y tế cần chia sẻ hơn, cởi mở hơn với những người đã mắc bệnh, cung cấp cho họ các dịch vụ y tế công bằng như những công dân khác.
Hiện ở Hà Nội, cùng với Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội có rất nhiều tổ chức, dự án như Dự án Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục. Đây là dự án do tổ chức Plan tài trợ đang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), tư vấn cho tất cả các chị em có tâm tư, mong muốn, nguyện vọng được chia sẻ; Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng cũng có rất nhiều chương trình khám sức khỏe sinh sản và tình dục cho chị em hoạt động mại dâm trong độ tuổi từ 16-25.
Năm 2013, Luật xử lý vi phạm hành chính chính thức có hiệu lực đã đưa ra quy định không giáo dục tại xã phường và đưa vào các cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Nhiều ý kiến nhìn nhận đây là quy định mang tính nhân văn và phần lớn chị em làm nghề đều rất mừng bởi quy định này giúp họ không phải lẩn tránh; các chương trình, dự án can thiệp giảm hại tiếp cận họ để tư vấn tuyên truyền cũng dễ dàng hơn, chị em không sợ phải mang theo bao cao su. Tuy nhiên, sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng với nhóm đối tượng này vẫn là một thách thức không nhỏ. Và như vậy, chừng nào xã hội vẫn coi mại dâm là một tệ nạn xã hội và những phụ nữ hoạt động mại dâm là những đối tượng bị lên án thì sẽ còn rất nhiều nguy cơ mắc bệnh không chỉ cho bản thân họ mà cho cả cộng đồng./.